23/12/2021 - 09:31

Litva “đặt cược” vào Mỹ 

Giới chuyên môn đưa ra nhận xét như vậy trong bối cảnh quan hệ giữa quốc gia Baltic và Mỹ được đánh giá đang ở “mức cao nhất”.

Tổng thống Litva Gitanas Nauseda thăm quân đội được triển khai tại biên giới Belarus. Ảnh: Reuters

Tổng thống Litva Gitanas Nauseda thăm quân đội được triển khai tại biên giới Belarus. Ảnh: Reuters

Những tháng gần đây, chính quyền Vilnius liên tục có các cuộc tiếp xúc với giới chức Washington. Trong thông báo mới nhất, Văn phòng Thủ tướng Litva Ingrida Simonyte cho biết bà Simonyte ngày 22-12 đã thảo luận với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken về sự hỗ trợ của họ trong đối phó sức ép kinh tế từ Trung Quốc. Thông báo cũng khẳng định tầm quan trọng của việc “đoàn kết các quốc gia cùng chí hướng, cùng tôn trọng quy tắc quốc tế” trong cuộc đấu địa chính trị với Bắc Kinh.

Trước đó, người đứng đầu ngành ngoại giao Litva Gabrielius Landsbergis đã có cuộc gặp với Ngoại trưởng Blinken bên lề Hội nghị Ngoại trưởng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Cảm ơn sự đóng góp của Washington với khu vực, ông Landsbergis đồng thời lưu ý nhiệm vụ quan trọng hiện nay là củng cố liên minh trước những thách thức an ninh đang nổi lên. Hôm 13-12, Bộ trưởng Quốc phòng Litva Alvidas Anushoskas cũng đã đến Washington để đàm phán với người đồng cấp Mỹ Lloyd Austin về khuôn khổ hợp tác quốc phòng toàn diện. Mới đây, Lầu Năm Góc thông báo Bộ Ngoại giao vừa phê duyệt hợp đồng bán tổ hợp tên lửa Javelin cho Litva theo thỏa thuận trị giá 125 triệu USD.

Javelin là tổ hợp tên lửa chống tăng vác vai có điều khiển hoạt động theo nguyên tắc “bắn và quên” hiện đại nhất hiện nay, có thể bắn từ vai người lính mà không cần giá phóng. Theo Lầu Năm Góc, thỏa thuận trên có thể giúp Litva đáp ứng các yêu cầu quốc phòng, hỗ trợ xây dựng năng lực phòng thủ để bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Vào tháng 10, chính quyền Tổng thống Joe Biden cũng chuyển giao tổ hợp tên lửa này cho Ukraine giữa lúc Đông Âu căng thẳng liên quan việc Nga tăng cường quân đội dọc biên giới nước láng giềng.

Con dao hai lưỡi?

Nhìn vào diễn biến hiện nay, các nhà quan sát cho rằng Litva ngày càng xích lại gần Washington biểu hiện cho mối quan hệ đôi bên cùng có lợi trong cuộc đối đầu với Nga và Trung Quốc.

Quan hệ Litva - Trung Quốc bất đồng kể từ tháng 5 khi Vilnius rút khỏi nền tảng hợp tác “17+1” giữa Bắc Kinh và các quốc gia Trung và Đông Âu, sau đó leo thang căng thẳng với quyết định của Litva cho phép chính quyền bà Thái Anh Văn sử dụng từ “Đài Loan” thay vì “Đài Bắc” trong tên của văn phòng đại diện mở ở nước này. Để trả đũa, Bắc Kinh rút đại sứ tại Litva và tạm dừng một số hoạt động thương mại song phương. Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Litva khuyến cáo người dân không mua và sử dụng điện thoại thông minh do Trung Quốc sản xuất vì lý do an ninh. Tháng rồi, Trung Quốc tuyên bố giáng cấp quan hệ ngoại giao với Litva, từ cấp đại sứ xuống cấp đại biện, sau khi văn phòng của Đài Loan ở Vilnius chính thức hoạt động. Đáp  lại, Litva bày tỏ “lấy làm tiếc” về động thái của Trung Quốc nhưng chưa cho thấy dấu hiệu sẽ chùn bước.

Thực tế, Vilnius đã bắt đầu hành động để hạn chế tổn thất, như việc đạt được thỏa thuận về gói tín dụng 600 triệu USD với Ngân hàng Xuất nhập khẩu Mỹ. Đây là một phần trong “hành động hợp tác song phương” giữa Mỹ - Litva nhằm chống lại ảnh hưởng kinh tế của Bắc Kinh. Litva gần đây còn nhắc lại sự ủng hộ đối với sự hiện diện lâu dài của quân đội Mỹ trên lãnh thổ nước này, sẵn sàng mua vũ khí cũng như khí đốt tự nhiên hóa lỏng đắt tiền của Mỹ, tham gia chiến lược “tẩy chay ngoại giao” đối với Thế vận hội mùa đông 2022 ở Bắc Kinh.

Ngoài Trung Quốc, chuyên gia Philippe Le Corre tại Đại học Harvard (Mỹ) cho biết quan ngại của Litva còn có sự can thiệp của Mát-xcơ-va ở biên giới. Hiện Vilnius dựa chủ yếu vào lực lượng NATO để phòng thủ. Trong bối cảnh quan hệ Nga - Trung Quốc nồng ấm hơn, Vilnius chắc chắn tiếp tục coi Washington là đồng minh cũng như chiếc ô an ninh lớn nhất. Tuy vậy, các nhà phân tích cho rằng lợi ích của Mỹ và Litva là khác nhau. Trong khi đất nước chưa đầy 3 triệu dân ưu tiên hợp tác với cường quốc số 1 thế giới thay vì nhiều đối tác đáng tin cậy khác, Washington ngược lại có thể chỉ coi Vilnius như một phần trong “cuộc chiến ngoại giao”. Điều này về lâu dài sẽ gây thiệt hại cho danh tiếng Litva và thách thức mà họ đối mặt trở nên khó khăn hơn.

MAI QUYÊN (Theo Reuters, Moderndiplomacy)

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
LitvaMỹ