15/12/2009 - 08:36

Liên minh cầm quyền Nhật rạn nứt?

- Uy tín của Thủ tướng Hatoyama ngày càng giảm sút.
Ảnh: Reuters

Chính phủ của Thủ tướng Nhật Bản Yukio Hatoyama đang đối mặt với sức ép mới, khi các đối tác trong liên minh cầm quyền ngày càng bất đồng sâu sắc về các chính sách kinh tế và quan hệ Mỹ – Nhật. Trong cuộc họp nội các Nhật hồi cuối tuần rồi, Mizuho Fukushima, Chủ tịch đảng Dân chủ Xã hội (SDP), dọa rằng SDP sẽ rút khỏi liên minh cầm quyền nếu đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) của Thủ tướng Hatoyama thỏa hiệp với Washington về các căn cứ của Mỹ ở Nhật Bản. Bà Fukushima tuyên bố SDP sẽ “đưa ra quyết định quan trọng” nếu căn cứ không quân của Mỹ vẫn còn nằm tại đảo Okinawa. Trong khi đó, Bộ trưởng các dịch vụ Tài chính Shizuka Kamei, Chủ tịch đảng Nhân dân Mới (PNP) - một đối tác khác trong liên minh, kịch liệt phản đối các chương trình của chính phủ về kinh tế: như kế hoạch tư nhân hóa dịch vụ bưu điện, gia hạn vốn vay ngân hàng và quy mô gói kích thích kinh tế trị giá 81,5 tỉ USD.

Sau khi giành thắng lợi trong cuộc bầu cử Quốc hội hồi tháng 8, DPJ đã liên kết với 2 đảng nhỏ hơn là SDP và PNP để thành lập chính phủ. Tuy nhiên, đây được xem là mối liên kết phức tạp, khi DPJ vừa tập trung cho chiến dịch giành quyền kiểm soát Thượng viện trong cuộc bầu cử vào giữa năm tới, vừa phải kiềm chế, thậm chí nhượng bộ các đối tác. Thế nên, không có gì lấy làm ngạc nhiên khi các chính sách đối nội cũng như đối ngoại của chính phủ Thủ tướng Hatoyama thường gặp trở ngại.

Trước hết là về quan hệ Nhật – Mỹ. Các quan chức Mỹ đã bày tỏ sự thất vọng với ông Hatoyama xung quanh cuộc đàm phán việc đi ở của quân đội Mỹ đang đóng tại Nhật. Mỹ muốn sớm đi đến kết thúc thỏa thuận này. Tuy nhiên, ông Kamei cảnh báo rằng nhất thiết chính phủ Nhật phải đạt được sự thống nhất về vấn đề này trước khi bàn với Mỹ, và quyết định có thể trì hoãn ít nhất sang năm tới. Thực tế cho thấy cả SDP và PNP đều không muốn có sự hiện diện của các căn cứ quân sự Mỹ trên đất Nhật, trong khi Washington nỗ lực duy trì căn cứ ở đây. Đây là vấn đề khó cho Thủ tướng Hatoyama khi cần duy trì liên minh cầm quyền để dễ dàng thông qua các dự luật tại Thượng viện.

Bên cạnh đó, có thể thấy cái khó của Thủ tướng Hatoyama trong việc tung ra gói kích thích kinh tế trị giá 81,5 tỉ USD hôm 8-12. Kế hoạch này theo dự kiến ban đầu của ông Hatoyama chỉ khoảng 45,4 tỉ USD, nhưng ông Kamei yêu cầu phải chi tiêu nhiền hơn, nên kế hoạch bị trì hoãn và phải tăng gấp đôi giá trị. Theo các nhà phân tích, Thủ tướng Hatoyama phải nhượng bộ đối tác có 8 ghế trong Quốc hội này, bởi sứ mệnh khôi phục kinh tế của ông đang “giậm chân tại chỗ”. Nếu không hành động gấp, vai trò lãnh đạo của ông Hatoyama sẽ bị đe dọa, khi những dấu hiệu về sự phục hồi của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này vẫn còn yếu ớt, nạn thất nghiệp cao và đồng yen liên tục tăng giá. Đồng yen đang được trao đổi ở mức cao nhất trong 14 năm qua với 88 yen ăn 1 USD, gây khó khăn cho xuất khẩu của Nhật. Tăng trưởng kinh tế quý 3 của Nhật giảm còn 1,3% từ mức 4,8% quý 2.

Theo thăm dò dư luận của báo Yomiuri cuối tuần rồi, tỷ lệ ủng hộ nội các Nhật giảm từ 63% tháng trước xuống còn 59%. Trong khi đó, tỷ lệ ủng hộ Thủ tướng Hatoyama cũng giảm từ 75% giữa tháng 9 xuống còn 59%.

N. MINH
(Theo WSJ, Reuters, AFP)

- Uy tín của Thủ tướng Hatoyama ngày càng giảm sút. Ảnh: Reuters

Chia sẻ bài viết