27/05/2011 - 13:19

Libye - Trọng tâm chương trình nghị sự của G8 và AU

Tổng thống Nam Phi Jacop Zuma (phải) từng dẫn đầu phái đoàn AU tới Tripoli hồi tháng 4 gặp ông Gadhafi, nhưng nỗ lực hòa giải
khi ấy bất thành. Ảnh: AFP

Libye là một trong những chủ đề được bàn luận tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm 8 nước công nghiệp phát triển (G8) đang diễn ra ở Pháp và cũng là nội dung thảo luận của Liên minh châu Phi (AU) nhằm tìm kiếm một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột ở quốc gia Bắc Phi này.

Trong cuộc họp báo chung hôm 25-5, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Anh David Cameron, hai nhà lãnh đạo đang tham dự G8, cảnh báo rằng các hoạt động quân sự của liên quân tại Libye sẽ kéo dài liên tục cho tới khi nào nhà lãnh đạo Muammar Gadhafi từ bỏ quyền lực. Đây là sự thay đổi so với quan điểm trước đây của ông Obama vốn cho rằng Mỹ can thiệp quân sự vào Libye sẽ ở mức độ hạn chế. Trong bài diễn văn trước hai viện Quốc hội Anh cùng ngày, Tổng thống Obama cũng nói rằng Mỹ và các nước đồng minh đang dốc sức cho một cuộc chiến dai dẳng, không chỉ là phế truất Đại tá Gadhafi mà còn hướng dẫn phong trào dân chủ “mới đâm chồi” ở các nước A-rập khác tiến tới thành công.

Tổng thống Obama nhấn mạnh rằng có một cuộc chơi lâu dài đang diễn ra khắp Trung Đông. Hoạt động quân sự ở Libye là “tiến trình chậm mà chắc, theo đó Mỹ và phương Tây có thể làm suy yếu các lực lượng và thay đổi những toan tính chính trị của chế độ Gadhafi tới lúc chính quyền Gadhafi nhận ra rằng họ không thể kiểm soát được đất nước này”. Ông Obama cho biết không có thời hạn chót cho việc rút lui của lực lượng liên quân, dù ông và cả Thủ tướng Cameron một lần nữa loại bỏ khả năng triển khai bộ binh tại Libye.

Cùng trong thời gian này, các nhà lãnh đạo châu Phi nhóm họp tại Thủ đô Addis Ababa của Éthiopie nhằm tìm giải pháp chính trị cho Libye. Ngoại trưởng Ai Cập Nabil al-Arabi cho biết Cairo sẽ đưa đặc phái viên tới “đại bản doanh” của phe nổi dậy Libye ở Benghazi để bám sát những diễn biến mới nhất và thúc đẩy một giải pháp chính trị. Chủ tịch Ủy ban AU Jean Ping cho rằng chỉ có giải pháp chính trị mới có thể đạt được hòa bình lâu dài và phù hợp với nguyện vọng của nhân dân Libye. Thế nhưng, ông Ping thừa nhận tình hình chiến sự gay gắt và thiếu sự phối hợp giữa các nỗ lực quốc tế, nên khó thể tìm ra một giải pháp như vậy.

Trước khi cuộc đàm phán của AU diễn ra, văn phòng tổng thống Nam Phi cho biết Tổng thống Jacob Zuma sẽ tới Tripoli vào ngày 30-5 tới. Đài truyền thanh Talk Radio 702 tại Johannesburg trích dẫn nhiều nguồn tin ở Tripoli cho biết chuyến đi của ông Zuma là để phối hợp với Thổ Nhĩ Kỳ thảo luận về “chiến lược rút lui” cho ông Gadhafi. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cho biết chưa có cuộc thảo luận nào về chương trình nghị sự trong chuyến đi của ông Zuma. Người phát ngôn của Tổng thống Nam Phi, ông Zizi Kodwa cũng phủ nhận việc đàm phán về chiến lược rút lui cho Gadhafi.

Trước đây, Nam Phi từng cho phép một số lãnh đạo lưu vong xin tị nạn như cựu Tổng thống Haiti Jean-Bertrand Aristide, cựu Tổng thống Madagascar Marc Ravalomanana, nhưng với ông Gadhafi, vấn đề có thể gây tranh cãi.

Trong khi đó, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vẫn tăng cường ném bom tại Libye. Vài ngày qua, các cuộc oanh kích của NATO đã đánh chìm tàu chiến và phá hủy nhiều trụ sở chính quyền của ông Gadhafi ở Tripoli. Hôm 25-5, một loạt 6 vụ nổ trong vòng 10 phút đã xé toạc Tripoli, trong đó có khu dinh thự của Gadhafi, mà các quan chức Libye cho rằng làm 19 người chết.

Nhật báo Pháp Le Figaro cho biết nhằm giúp phá vỡ bế tắc quân sự hiện nay, chiến hạm Tonnerre chở 12 trực thăng tấn công của Pháp đã khởi hành từ hôm 17-5 và đang trên đường tới Libye. Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Gerard Longuet cho biết Anh cũng sắp triển khai trực thăng tấn công tới Libye. Sử dụng trực thăng có thể giúp NATO tấn công chính xác hơn, nhưng cũng tăng thêm nguy cơ cho NATO, vì nó sẽ trở thành mục tiêu dễ bị các lực lượng thân ông Gadhafi bắn hạ.

N. KIỆT
(Theo AFP, WSJ, Guardian)

Tổng thống Nam Phi Jacop Zuma (phải) từng dẫn đầu phái đoàn AU tới Tripoli hồi tháng 4 gặp ông Gadhafi, nhưng nỗ lực hò

Chia sẻ bài viết