02/04/2020 - 09:46

LHQ kêu gọi đoàn kết chống đại dịch COVID-19 

Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc (LHQ) Antonio Guterres (ảnh) cảnh báo thế giới đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ Thế chiến thứ hai khi đại dịch COVID-19 đe dọa con người ở mọi quốc gia, tạo ra cuộc suy thoái kinh tế chưa từng có tiền lệ. 

Trong báo cáo về tác động kinh tế - xã hội do đại dịch COVID-19 gây ra trên quy mô toàn cầu hôm 31-3, Tổng Thư ký Guterres lo ngại “sự kết hợp” giữa dịch bệnh và tác động kinh tế sẽ góp phần “làm gia tăng bất ổn, hỗn loạn và xung đột”, qua đó ông kêu gọi thế giới cần đưa ra phản ứng mạnh mẽ và hiệu quả hơn đối với COVID-19. Để làm được điều này, ông Guterres cho rằng mọi người cần chung tay, bỏ qua các vấn đề chính trị cũng như cùng nhận thức rằng loài người đang bị đe dọa. “Chúng ta đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu không giống như bất kỳ cuộc khủng hoảng nào trong lịch sử 75 năm thành lập LHQ. Nó đang cướp đi mạng sống, gieo rắc nỗi đau cho con người và đe dọa cuộc sống của con người. COVID-19 đang tấn công vào cốt lõi của xã hội” - Tổng Thư ký LHQ nhấn mạnh.

Đề cập tới việc vì sao tới nay COVID-19 vẫn hoành hành trên khắp thế giới và tác động tiêu cực đến kinh tế - xã hội toàn cầu, ông Guterres cho rằng nhiều quốc gia không tuân theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Thay vào đó, mỗi quốc gia có xu hướng đối phó với đại dịch theo cách riêng của mình. Báo cáo của ông Guterres cũng trích dẫn đánh giá của Tổ chức Lao động Quốc tế cho thấy từ 5-25 triệu lao động sẽ bị mất việc vì COVID-19, làm giảm thu nhập lao động từ 860 - 3.400 tỉ USD. Ngoài ra, từ nhận định của Hội nghị LHQ về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), báo cáo cho hay dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài toàn cầu trong năm nay sẽ giảm 30-40%. Vì vậy, ông Guterres tuyên bố thành lập Quỹ ứng phó và phục hồi COVID-19 nhằm hỗ trợ các nước thu nhập thấp và trung bình, nhanh chóng cho phép chính phủ các nước này giải quyết khủng hoảng và phục hồi sau đại dịch. Người đứng đầu LHQ kêu gọi thế giới phải có những giải pháp toàn diện và phối hợp thực hiện đồng bộ, có thể tiêu tốn ít nhất 10% GDP toàn cầu. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), GDP toàn cầu năm 2018 đạt 86.000 tỉ USD. 

Ông Guterres hy vọng sẽ nhận “câu trả lời tích cực” từ cộng đồng quốc tế nhằm giúp đỡ những người dễ bị tổn thương, bằng cách thiết kế các chính sách, cung cấp bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, ra sức giúp các doanh nghiệp không bị phá sản và làm ăn thua lỗ. Ông yêu cầu các nước ngay lập tức phối hợp để ngăn chặn và chấm dứt đại dịch, nâng cao năng lực y tế trong kiểm tra, truy tìm, kiểm dịch và điều trị bệnh, kết hợp với các biện pháp hạn chế đi lại và tiếp xúc, đồng thời nhấn mạnh các nước phát triển phải hỗ trợ các nước kém phát triển hoặc các nước có khả năng đối mặt với “cơn ác mộng” của đại dịch. “Những gì thế giới cần bây giờ là sự đoàn kết. Chỉ có đoàn kết, chúng ta mới có thể đánh bại được virus và xây dựng một thế giới tốt hơn. Với những hành động đúng đắn, đại dịch COVID-19 có thể giúp đánh dấu sự khởi đầu của phương thức hợp tác toàn cầu và xã hội mới” - Tổng Thư ký Guterres kết luận.

 Ngày 31-3, Bộ trưởng tài chính và Thống đốc ngân hàng trung ương Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) cam kết sẽ hỗ trợ giải quyết nợ của các nước có thu nhập thấp và viện trợ cho các nước đang phát triển trong nỗ lực giảm tác động xấu của dịch COVID-19. Các nhóm chuyên viên dự kiến sẽ hoàn thiện chi tiết kế hoạch trước thềm cuộc họp tiếp theo của G20 vào ngày 15-4. 

TRÍ VĂN (Theo AP, UN News)

Chia sẻ bài viết