26/11/2013 - 21:24

Lấy đối ngoại bù đối nội

Trong khi tỷ lệ người dân ủng hộ chính phủ xuống mức thấp kỷ lục thì giới lãnh đạo Pháp được cho đang "rất tự tin" trong việc tìm kiếm và khẳng định uy thế của mình trên trường quốc tế. Sự thất vọng của người dân quốc gia hình lục giác đối với chính quyền Tổng thống François Hollande càng sâu sắc hơn khi hãng Standard & Poor’s vừa hạ một bậc tín nhiệm của nền kinh tế nước này. Làn sóng chỉ trích và phản đối của dư luận ngày càng gay gắt sau khi chính phủ không những cho tăng mà còn áp đặt thêm các loại thuế mới.

Mặc dù tình hình trong nước "rối bời", nhưng Paris trên phương diện quốc tế lại thể hiện hình ảnh một cường quốc vươn oai khi triển khai khoảng 1.200 quân - gấp 5 lần so với Mỹ, trong cuộc tập trận của Tổ chức Hiệp ước Bắc Ðại Tây Dương (NATO) ở Ðông Âu.

Sau khi đưa binh sĩ đến Mali mở chiến dịch chống khủng bố, quân đội Pháp vừa thông báo nâng gấp 3 số lính viễn chinh tại cựu thuộc địa là Cộng hòa Trung Phi nhằm sẵn sàng dùng vũ lực để duy trì hòa bình nếu Liên Hiệp Quốc cho phép. Chính quyền Hollande cũng cam kết tăng cường hỗ trợ cho quân phiến loạn ở Syrie. Mới đây, Paris đã bất ngờ thể hiện lập trường cứng rắn khi phản đối dự thảo thỏa thuận hạt nhân hôm 10-11 vì cho rằng nó chưa đủ sức kìm chế tham vọng vũ khí hủy diệt của Tehran. Bản thân Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius thì đang muốn lập kỷ lục thế giới mới trên mặt trận ngoại giao khi bày tỏ ý định đánh bại thành tích công du đến 100 nước của cựu nữ Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton.

Vì sao vậy? Theo cố vấn cấp cao Dominique Moisi tại Viện nghiên cứu các vấn đề quốc tế Pháp, một trong những nền kinh tế đầu tàu của châu Âu một khi cảm thấy thua kém về mặt cạnh tranh thì lại càng muốn tạo dựng vị thế trong các hoạt động ngoại giao. Có điều, đánh mất lòng tin của công chúng trong vấn đề đối nội của nước Pháp mới thật sự là thách thức sống còn đối với chính quyền Hollande.

MAI QUYÊN (Theo Reuters)

MAI QUYÊN (Theo Reuters)

Chia sẻ bài viết