24/06/2022 - 22:24

Lãnh đạo nữ tiên phong chống biến đổi khí hậu 

Nhiều thành phố trên thế giới đang nổi lên như những "chiến binh" trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, khi đưa ra các sáng kiến táo bạo để bảo vệ Mẹ Thiên nhiên. Ðáng chú ý, hầu hết lãnh đạo của những thành phố tiên phong này là phụ nữ.

Thị trưởng Stockholm Anna König Jerlmyr.

Ðiển hình, thị trưởng của 3 thành phố đứng đầu về Chỉ số các thành phố bền vững năm 2022 - gồm Stockholm (Thụy Ðiển), Oslo (Na Uy) và Copenhagen (Ðan Mạch) - đều là nữ. Không chỉ vùng Scandinavia, xu hướng lãnh đạo nữ nổi lên như những chỉ huy chống biến đổi khí hậu còn xuất hiện ở nhiều thành phố khác trên toàn cầu - từ Bogotá (Colombia), Mexico City (Mexico), Accra (Ghana) cho đến Tokyo (Nhật Bản). Cụ thể, 5/10 thành phố đứng đầu về Chỉ số các thành phố bền vững đều có lãnh đạo là nữ. 

Hầu hết các nữ lãnh đạo đều cho thấy những ý tưởng táo bạo sẽ trở nên khả thi một khi được triển khai và thử nghiệm trên thực tế. Ðơn cử năm 2002, Annika Billström - nữ thị trưởng đầu tiên của Stockholm - đã đề xuất thu phí tắc nghẽn đối với tất cả phương tiện đi vào nội thành, nhằm giải quyết vấn đề ách tắc giao thông nghiêm trọng của thành phố. Do Stockholm được kết nối phần lớn bằng các cây cầu và 2/3 số lao động ở trung tâm thành phố đến từ ngoại ô, nên đề xuất trên vấp phải sự phản đối mạnh mẽ. Song, kết quả thử nghiệm kéo dài 7 tháng sau đó cho thấy với mức phí 3USD/ô tô cho mỗi lần vào trung tâm thành phố, lưu lượng giao thông nội thành giảm 20%, thời gian di chuyển giảm nhiều và 25% người lao động chuyển sang dùng phương tiện công cộng. Cuộc thử nghiệm đã làm thay đổi đáng kể nhận thức của công chúng về vấn đề tắc nghẽn giao thông.

Những nữ lãnh đạo kế nhiệm bà Billström sau đó cũng duy trì và thúc đẩy các sáng kiến chống biến đổi khí hậu, giúp Stockholm tiếp tục đạt những thành tích xuất sắc về môi trường và khí hậu, được Ủy ban châu Âu vinh danh là Thủ đô Xanh châu Âu đầu tiên vào năm 2010. Chẳng hạn, trong nhiệm kỳ 2014-2018, thị trưởng Karin Wanngård đã thiết lập mục tiêu trung hòa carbon và tiến tới không sử dụng nhiên liệu hóa thạch vào năm 2040, sớm hơn 5 năm so với mục tiêu quốc gia. Bà Wanngård cũng nêu gương về lối sống bền vững, thường xuyên sử dụng xe đạp đi lại và chọn quần áo đã qua sử dụng. Tương tự, thị trưởng đương nhiệm Anna König Jerlmyr đang dốc toàn lực để thúc đẩy hạ tầng phục vụ xe điện. Theo mục tiêu đến năm 2030, tất cả bãi đỗ xe trong nội thành Stockholm có trạm sạc điện và hoạt động giao thông không còn tạo khí thải.

Một bóng hồng nổi bật khác trong nỗ lực chống biến đổi khí hậu là Anne Hidalgo - nữ thị trưởng đầu tiên của Paris (Pháp). Khi mới đắc cử năm 2014, Hidalgo mạnh dạn cấm ô tô đi lại ở trung tâm Paris, điều mà bà cho là nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm không khí, giao thông ồn ào và phát thải khí nhà kính. Bà còn cho cải tạo tuyến cao tốc dọc theo bờ trái sông Seine thành 4,5ha không gian xanh dành riêng cho người đi bộ. Nữ thị trưởng cũng tuyên bố cấm tất cả phương tiện chạy bằng diesel vào năm 2024 và chạy bằng xăng vào năm 2030, đồng thời cam kết biến Paris thành vùng đất mơ ước của người đi xe đạp, với việc tạo thêm 1.000km làn đường xe đạp và “xóa sổ” 72% bãi đỗ ô tô hiện có. Khi tái đắc cử năm 2020, Hidalgo đã đề xuất xây dựng “thành phố 15 phút”, theo đó, cư dân đô thị sẽ dễ dàng tiếp cận những địa điểm thiết yếu - như công sở, trường học, khu giải trí, các dịch vụ ăn uống, y tế - trong phạm vi 15 phút đi bộ hoặc đạp xe từ nhà họ.

Ý tưởng “thành phố 15 phút” đã nhanh chóng phổ biến khắp thế giới. Thị trưởng Montreal (Canada), Valérie Plante, đã đưa ý tưởng này vào trọng tâm trong chiến dịch tái tranh cử năm 2021, khẳng định việc dễ dàng tiếp cận thư viện, khu giải trí và văn hóa là “liều thuốc giải độc” cho lối sống buông thả của thanh niên và bạo lực súng đạn đang gia tăng. C40 cũng đã xây dựng kế hoạch phục hồi đô thị sau đại dịch COVID-19 xoay quanh ý tưởng “thành phố 15 phút”.

NGUYỆT CÁT (Theo Corporate Knights)

Chia sẻ bài viết