16/09/2023 - 14:17

Lắng nghe và thấu hiểu con trẻ 

Bài, ảnh: KIẾN QUỐC

Hiện nay, nhiều gia đình có xu hướng lựa chọn sinh ít con để có thể nuôi dạy một cách tốt nhất. Chính vì vậy, một số bậc phụ huynh luôn bảo bọc và đặt kỳ vọng con cái thành tài, trở thành hình mẫu như mình mong muốn. Ðiều này đã gây nhiều áp lực cho con trẻ.

Chị Lê Thị Hoa cùng con trai trong một buổi sinh hoạt gia đình.

Vợ chồng chị Thanh Huyền ở quận Cái Răng, đều là bác sĩ. Chị luôn kỳ vọng con gái duy nhất sẽ nối nghiệp mình. Do vậy, ngay từ những năm học cấp 2, chị đã định hướng cho con gái tập trung vào những môn học khối B, với mục tiêu thi đỗ vào trường đại học y danh tiếng. Trong khi Hân - con gái chị Thanh Huyền, lại rất đam mê mỹ thuật. Vốn không có học lực nổi trội ở các môn Toán, Hóa, Sinh nên suốt những năm cấp 3, Hân học hành khá chật vật. Do đặt kỳ vọng ở con quá nhiều, chị Huyền thường so sánh con với những bạn bè cùng trang lứa nhằm tạo động lực cho con phấn đấu, nỗ lực hơn. Liên tục đối diện với áp lực từ cha mẹ đã khiến Hân mất sự tự tin và cảm thấy bản thân vô dụng, kém cỏi. Kết quả học tập của Hân dần sa sút.

Anh Hưng ở quận Ninh Kiều, cũng rất khắt khe, áp đặt con gái trong việc học hành. Anh kể rằng, từ nhỏ, bản thân anh đã sống trong khuôn phép của ba mẹ. Các anh chị em trong gia đình học hành giỏi giang như một chuyện đương nhiên, còn lúc nào học sa sút, cầm trên tay bảng điểm kém là cảm thấy có lỗi, sợ sệt. Anh cho rằng, nhờ lúc nhỏ trải qua giai đoạn “khổ luyện” mà anh có được thành công trong sự nghiệp hiện tại. Vậy nên anh áp dụng “chiêu” cũ với con gái mình. Ðể rồi suốt nhiều năm qua, con gái đem về cho vợ chồng anh những giải thưởng danh giá trong học tập, khiến gia đình “nở mày, nở mặt” với lối xóm. Nhưng khi đến tuổi 15, con gái anh lại rơi vào trầm cảm, sợ những người xung quanh và né tránh cha mẹ. Vợ chồng anh phải cho con nghỉ học cả năm trời để điều trị. Ðến lúc này anh mới nhận ra sai lầm khi đã hà khắc với con, không gần gũi, không thấu hiểu những điều con gái mong mỏi.

Trái ngược cách dạy con của 2 gia đình trên, chị Lê Thị Hoa ngụ quận Cái Răng, lại quan niệm rằng, cha mẹ nên là người biết lắng nghe và tôn trọng con, cùng con thảo luận các giải pháp phù hợp chứ không nên gò ép con theo ý mình. Từ nhỏ, 2 con của chị, cháu Phạm Lê Minh Nguyệt (học sinh lớp 11) và Phạm Lê Minh Nam (hiện là sinh viên ngành công nghệ thực phẩm) luôn được chị theo dõi sát sao, đồng hành để kịp thời điều chỉnh, uốn nắn. Chị Hoa tâm sự: “Có một thời gian, con trai thường thức khuya để chơi game. Khi tôi khuyên nhủ con thì con cự cãi. Thay vì la mắng, tôi phân tích cho con nghe việc đúng - sai. Mặt khác, tôi không đặt ước nguyện của mình lên con cái, chủ yếu là dựa theo năng lực của con và tạo điều kiện cho con cái phát huy sở trường, năng khiếu”. Theo chị Hoa, sự gần gũi, lắng nghe, sẻ chia và đồng cảm với con sẽ giúp cha mẹ có cái nhìn toàn diện hơn. Thay vì bắt ép con làm theo mình muốn, chị đưa ra cho con nhiều sự lựa chọn, giải thích cho con nghe những ưu, nhược điểm để con tự mình quyết định. Nhờ cách dạy này, cả 2 con của chị đều ngoan hiền, vâng lời cha mẹ và luôn đạt thành tích học tập tốt.

Bậc cha mẹ nào cũng mong muốn con cái mình có được những thành tích học tập tốt, trở thành người có ích cho xã hội và thành công trên mọi lĩnh vực. Tuy nhiên, đôi khi sự kỳ vọng của cha mẹ lại quá lớn, vô tình tạo nên gánh nặng cho con trẻ. Nhiều chuyên gia tâm lý khuyên rằng, sự lắng nghe và thấu hiểu luôn là mấu chốt trong việc dạy dỗ con cái. Các bậc phụ huynh nên nhìn từ góc độ của con để soi rọi hành vi của mình. Cùng với đó là sự gần gũi, làm bạn cùng con, tìm hiểu thế mạnh, năng khiếu, sở trường của con để có những định hướng đúng đắn, tạo động lực cho con phấn đấu đi đến thành công bằng chính đam mê, tài năng của mình.

Chia sẻ bài viết