18/01/2021 - 14:27

Làng nghề mộc Chợ Mới tất bật vào vụ 

Chuẩn bị choTết Nguyên đán Tân Sửu 2021 không khí sản xuất, kinh doanh tại các làng nghề, đặc biệt là nghề mộc trên địa bàn huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang trở nên tất bật, nhộn nhịp hẳn lên. Hầu hết các cơ sở đều cố gắng, nỗ lực chạy đua với thời gian để làm ra những sản phẩm chất lượng, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của khách hàng.

Các cơ sở sản xuất tại các Làng nghề mộc Chợ Thủ và Mỹ Luông tất bật vào vụ.

Vào vụ

Thời điểm này các cơ sở sản xuất tại Làng nghề mộc Chợ Thủ (thuộc xã Long Ðiền A, huyện Chợ Mới) đang tất bật sản xuất để kịp tiến độ các đơn hàng. Vẫn là các sản phẩm truyền thống như giường, tủ, bàn ghế… tuy nhiên, chất liệu và kiểu dáng được các cơ sở sản xuất chú trọng nâng cao hơn.

Hình thành và phát triển từ cách đây trên dưới 200 năm, làng nghề mộc Chợ Thủ chạy dài trên địa bàn 4 ấp Long Thuận 1, Long Thuận 2, Long Ðịnh, Long Bình. Ở đây có trên 1.000 hộ tham gia sản xuất và 100 cơ sở lớn, nhỏ. Ông Trần Minh Ðoàn, đại diện Làng nghề mộc Chợ Thủ, cho biết, làng nghề hoạt động quanh năm, nhưng tất bật và nhộn nhịp nhất vẫn là những tháng cuối năm. Nhờ sản phẩm đẹp, chất lượng đã góp phần tạo nên uy tín cho cơ sở trong làng nghề. Ðồng thời góp phần quảng bá, nâng cao thương hiệu cho sản phẩm truyền thống nơi đây.

Ðể tạo ra được những sản phẩm này, người thợ mộc phải trải qua rất nhiều công đoạn như: cưa gỗ, cắt theo quy cách của sản phẩm, bào nhẵn, đo và lấy kích thước, làm khung cho từng loại, vẽ, chạm khắc, lắp ráp, sơn... Từ những đôi bàn tay khéo léo của nghệ nhân nơi đây đã thổi hồn nên những sản phẩm mang đậm những nét văn hóa truyền thống. “Sản phẩm phải phù hợp với nhu cầu của xã hội và thị hiếu từng vùng miền. Ðơn cử như vùng nông thôn thì thích mặt hàng có nhiều hoa văn, trạm trổ, còn khu vực thành thị lại thích đơn giản. Tùy theo đối tượng người dùng mà chất liệu cũng khác nhau. Bên cạnh đó, mỗi cơ sở phải lựa chọn cho mình 1 phong cách, mẫu mã riêng, phù hợp với nơi tiêu thụ. Ðặc biệt phải có tính chuyên biệt cao để tránh cạnh tranh với nhau” - ông Ðoàn cho hay.

Những năm gần đây các hộ sản xuất trong làng nghề đã không ngừng nghiên cứu mẫu mã mới; đầu tư máy móc, đổi mới công nghệ vào sản xuất. Nhờ vậy đã góp phần tạo ra những sản phẩm chất lượng, đáp ứng nhu cầu khách hàng. “Hiện nay, hầu hết các cơ sở đã đổi mới công nghệ, đầu tư máy khắc công nghệ cao nên sản phẩm làm ra nhiều hơn, chất lượng đồng đều hơn. Mặc dù vậy, vẫn còn vài cơ sở còn áp dụng phương pháp thủ công, tuy nhiên không vì thế mà chất lượng giảm sút; sản phẩm vẫn đáp ứng được tính thẩm mỹ cũng như nhu cầu của khách hàng” - ông Ðoàn chia sẻ.

Sản phẩm của Làng nghề mộc Chợ Thủ phong phú, đa dạng về kiểu dáng, mẫu mã, như: tủ thờ, tủ quần áo, bàn ghế, kệ, giường hộp cho đến các loại ban công, cầu thang lầu, bao lam, câu đối, các loại tượng, phù điêu, tranh gỗ... Nhờ sử dụng chất liệu gỗ tốt, bền đẹp; sản phẩm có độ tinh xảo cao tạo nên uy tín đối với khách hàng của mảnh đất nơi đây. Giá các sản phẩm dao động từ vài triệu đồng đến vài chục triệu đồng tùy theo kích thước, chất lượng gỗ…

Thị trường khởi sắc sau dịch

Cách Làng nghề mộc Chợ Thủ không xa, Làng nghề mộc Mỹ Luông (thị trấn Mỹ Luông, huyện Chợ Mới) trong những ngày này cũng nhộn nhịp không kém bởi các hoạt động sản xuất, mua bán hàng hóa nơi đây. Khắp thị trấn đâu đâu cũng nghe thấy tiếng máy cưa, máy xẻ, tiếng đục đẽo, tiếng búa, bào mài... hòa cùng tiếng nói cười rôm rả của những người thợ. Làng nghề nằm trải dài trên 6 ấp, tập trung nhiều ở ấp Thị 2, ấp Mỹ Quý, ấp Mỹ Thuận và ấp Thị 1. Cùng với Làng nghề mộc Chợ Thủ, Làng nghề mộc Mỹ Luông nức tiếng gần xa.

Ðể chuẩn bị cho mùa làm ăn lớn nhất trong năm, các cơ sở sản xuất ở đây phải chuẩn bị nguồn nguyên liệu và sản xuất hàng dự trữ từ cách đó vài tháng. Anh Trần Phước Trí, chủ Cơ sở mộc Thanh Tím, cho biết: Nhu cầu thị trường trong những ngày cận Tết rất cao, do người tiêu dùng thường tăng cường mua sắm để trang trí nhà cửa trong dịp cuối năm. “Ðể kịp tiến độ các đơn hàng, chúng tôi phải thuê thêm lao động, đồng thời tăng ca làm đến tận ban đêm. Dù làm việc khẩn trương nhưng chúng tôi không xem nhẹ chất lượng bởi các cơ sở ở đây đều đặt uy tín lên hàng đầu” - anh Trí chia sẻ.

Năm nay, do ảnh hưởng từ dịch bệnh COVID-19, hoạt động sản xuất kinh doanh của Cơ sở Thanh Tím có phần trầm lắng hơn so với các năm trước. Anh Trí cho biết, những tháng đầu năm, ảnh hưởng từ dịch bệnh COVID-19 đã khiến nhiều đơn hàng đã ký trước đó đều thông báo tạm hoãn. Bên cạnh đó, thu nhập của người dân giảm mạnh nên sức mua lẻ cũng không được nhiều. Ðến nay, tình hình dịch bệnh cơ bản đã được kiểm soát, việc kinh doanh có phần khởi sắc hơn so với đầu năm. Tuy nhiên, tình hình chung vẫn không bằng so với năm trước. Hy vọng thời gian tới, sản phẩm bán “chạy” hơn để các cơ sở ở đây có được cái Tết sung túc hơn.

Ðược biết hiện nay, toàn huyện Chợ Mới có 5 làng nghề mộc được tỉnh công nhận, gồm: Làng nghề mộc Chợ Thủ (xã Long Ðiền A); Làng nghề mộc Mỹ Luông (thị trấn Mỹ Luông); Làng nghề mộc Long Giang (xã Long Giang); Làng nghề mộc Tấn Mỹ (xã Tấn Mỹ) và Làng nghề mộc Long Ðiền B (xã Long Ðiền B). Sản phẩm của các làng nghề ở đây nổi tiếng từ lâu và được tiêu thụ mạnh ở các tỉnh, thành ÐBSCL, như: TP Cần Thơ, Cà Mau, Bạc Liêu; thậm chí còn tiêu thụ mạnh ở TP Hồ Chí Minh, Bình Dương…

Trong suốt quá trình hình thành và phát triển của mình, các làng nghề mộc ở Chợ Mới đóng vai trò tích cực trong việc phát triển ngành tiểu thủ công nghiệp, giữ gìn và phát huy làng nghề truyền thống ở địa phương. Bên cạnh đó, việc phát triển của các làng nghề còn góp phần giải quyết việc làm cho lao động ở nông thôn với mức thu nhập từ 7-9 triệu đồng/tháng. Qua đó, góp phần đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương.

Bài, ảnh: PHI ĐIỆP

Chia sẻ bài viết