05/11/2020 - 08:14

Làn sóng IS mới ở châu Âu? 

Trên Telegram, nhóm tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS)  nhận trách nhiệm vụ xả súng đẫm máu hôm 2-11 tại thủ đô Vienna (Áo), khiến 4 người thiệt mạng và 22 người khác bị thương, qua đó cho thấy lực lượng cực đoan này đang trỗi dậy như làn sóng bạo lực mới ở châu Âu.

Cảnh sát Áo tuần tra sau vụ tấn công hôm 2-11. Ảnh: AP

Vụ xả súng ở Vienna diễn ra sau một loạt vụ tấn công khủng bố Hồi giáo ở Pháp, gồm vụ chặt đầu một giáo viên ở ngoại ô thủ đô Paris và vụ đâm chết 3 người tại một nhà thờ ở thành phố Nice, khiến giới chuyên gia lo ngại về sự “trở lại” của IS trên khắp lục địa già.

Lý giải nguyên nhân dẫn đến bạo lực Hồi giáo cực đoan ở châu Âu chứ không phải ở Mỹ trong thời gian gần đây, giới chuyên gia phân tích chống khủng bố cho rằng các cộng đồng Hồi giáo ở châu Âu dường như ít hòa nhập xã hội hơn ở Mỹ. “Thật ra, chuyện hòa nhập xã hội của cộng đồng Hồi giáo ở Mỹ không phải là không có vấn đề nhưng các cộng đồng Hồi giáo ở đây không bị gạt ra ngoài lề xã hội như chúng ta thấy ở nhiều nước châu Âu” - Julie Coleman, chuyên gia nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm chống khủng bố quốc tế, nói với tờ The Media Line.

Ông Coleman cho biết châu Âu dường như đang bị cuốn vào một chu kỳ mà theo đó, mỗi khi xảy ra các cuộc tấn công do phần tử Hồi giáo cực đoan thực hiện, làn sóng chống Hồi giáo lại gia tăng, khiến cho quá trình hòa nhập xã hội của cộng đồng Hồi giáo ở đây trở nên khó khăn hơn và quá trình cực đoan hóa trở nên dễ dàng hơn. Tiến sĩ Michael Barak, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Chống Khủng bố Quốc tế Israel cùng quan điểm, cho rằng những người Hồi giáo trẻ ở châu Âu là những người dễ bị cực đoan hóa, bởi họ có thể cảm thấy xa lạ với xã hội và dễ bị giới lãnh đạo tôn giáo kích động.

Giới phân tích nói rằng địa lý cũng đóng vai trò trong lý do vì sao chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo bạo lực ở châu Âu dường như tồi tệ hơn ở Mỹ - nơi bị Ðại Tây Dương ngăn cách với Trung Ðông và Bắc Phi. “Do châu Âu có khoảng cách địa lý gần với Trung Ðông và Bắc Phi nên một lượng lớn người Hồi giáo châu Âu đến Iraq và Syria với tư cách là chiến binh nước ngoài. Nguy hiểm hơn nếu họ tham gia vào al-Qaeda, IS hoặc bất kỳ chi nhánh nào của chúng” - Colin Clarke, nhà khoa học chính trị cấp cao thuộc tổ chức tư vấn chính sách toàn cầu có trụ sở tại Mỹ RAND Corperation, giải thích.

Mặt khác, những người Hồi giáo nhập cư vào Mỹ đa dạng hơn những người tìm đường đến châu Âu và với trình độ học vấn cao hơn, họ dễ dàng thành công ở xứ cờ hoa, nơi hiện được nhiều người trên thế giới coi là điểm đến lý tưởng bởi có ít rào cản về kinh tế xã hội hơn so với các nước châu Âu.

Bất chấp việc “Vương quốc Hồi giáo” bị xóa sổ ở Iraq và Syria cũng như việc thủ lĩnh tối cao Abu Bakr al Baghdadi bị tiêu diệt hồi năm ngoái, IS tiếp tục thích nghi và phát triển hoạt động của mình. Với tân thủ lĩnh là Abu Ibrahim al-Hashimi al Qurayshi, IS đã tái hợp và chuyển trọng tâm hoạt động sang các nước châu Á và châu Phi. Trong năm nay, IS hoạt động sôi nổi ở Philippines, hồi tháng 4 đã giết chết 11 binh sĩ chính phủ. Lực lượng này cũng hoạt động rất tích cực ở Afghanistan, thực hiện vụ sát hại 19 người tại Đại học Kabul mới đây. Theo Vladimir Voronkov, Giám đốc Văn phòng chống khủng bố của Liên Hiệp Quốc, IS đang tái hợp và ra sức chiêu binh mãi mã, với hơn 10.000 tay súng đang hoạt động ở Syria và Iraq cùng với hơn 3.500 chiến binh tại Tây Phi.

TRÍ VĂN (Theo The Media Line, The Journal)

Chia sẻ bài viết