28/04/2025 - 18:18

Làn gió mới trong xây dựng chính quyền số

Thực hiện chuyển đổi số (CĐS) trong trục chính quyền số, đến nay toàn bộ các cơ quan, đơn vị, địa phương của TP Cần Thơ đang tiếp tục sử dụng, khai thác hiệu quả hệ thống chính quyền điện tử phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành, chuyên môn. Việc hình thành chính quyền số giúp nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước, giúp cải thiện sự ổn định và minh bạch chính sách, nâng cao chất lượng các dịch vụ công cung cấp cho xã hội, hình thành hệ thống hạ tầng công nghệ và nền tảng dữ liệu quốc gia phục vụ các hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân và doanh nghiệp. Đây chính là những nền tảng hết sức quan trọng để phát triển kinh tế số và xã hội số.

Lãnh đạo TP Cần Thơ dự lễ ra mắt Trung tâm Phục vụ hành chính công TP Cần Thơ vào ngày 28-2-2024.

Tháng 4-2021, Trung tâm Điều hành thông minh (IOC) thành phố được đưa vào hoạt động, được ví như “bộ não” dữ liệu - nơi tổng hợp các nguồn thông tin, dữ liệu trên các lĩnh vực, cung cấp cái nhìn tổng thể theo thời gian thực đối với các dịch vụ thông minh. Ðặc biệt, Trung tâm IOC có các kênh tương tác với người dân, doanh nghiệp, như tổng đài dịch vụ công 1022, ứng dụng trên điện thoại thông minh, mạng xã hội, nhằm lắng nghe, ghi nhận và xử lý kiến nghị người dân. Sư ra đời của các Trung tâm IOC đặt nền móng trong xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh. Bên cạnh giúp lãnh đạo các cấp giám sát, điều hành các hoạt động kinh tế - xã hội trên nền tảng số, còn giúp người dân, doanh nghiệp tiếp cận các dịch vụ thông minh nhanh chóng, tiện lợi và tiết kiệm; đề cao vai trò của người dân trong giám sát hoạt động của hệ thống chính quyền thông qua các ứng dụng di dộng, kết nối mạng xã hội.

Hiện Cổng Dịch vụ công thành phố và Hệ thống thông tin một cửa điện tử đã được nâng cấp, hợp nhất thành Hệ thống thông tin giải quyết TTHC, kết nối Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Hệ thống đã triển khai đến tất cả các sở, ban, ngành thành phố đến cấp xã, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân giao dịch hồ sơ trực tuyến.

Trung tâm Phục vụ hành chính công TP Cần Thơ ra mắt vào tháng 2-2024, được đánh giá mang lại nhiều tiện ích cho người dân thông qua việc tiếp nhận hồ sơ tại một địa chỉ duy nhất, theo hướng tiếp nhận hồ sơ dịch vụ công không phụ thuộc vào địa giới hành chính. Đây là đầu mối giúp UBND thành phố tổ chức cung cấp thông tin, hướng dẫn, hỗ trợ, tiếp nhận, số hóa, theo dõi, kiểm soát, đôn đốc, phối hợp giải quyết và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính (TTHC); tham mưu, tổ chức triển khai các nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong cung cấp dịch vụ công, phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Bà Lê Xuân Hoa, Phó Chánh Văn phòng UBND thành phố, Giám đốc Trung tâm, cho biết, với vai trò là đầu mối tiếp nhận và giải quyết hơn 1.400 TTHC của các sở, ngành, đã tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức trong giao dịch hồ sơ. Thông qua hệ thống phần mềm, tình hình tiếp nhận, giải quyết hồ sơ và trả kết quả của các sở, ngành được thuận lợi, công khai, minh bạch. Tính chuyên nghiệp, độc lập trong tiếp nhận, số hóa, trả kết quả giải quyết TTHC của Bộ phận Một cửa được cải thiện rõ rệt. Năng suất lao động trung bình trong việc giải quyết TTHC thông qua việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xã hội hóa một số công việc trong quy trình hướng dẫn, tiếp nhận, giải quyết TTHC được nâng lên.

Theo báo cáo của UBND thành phố, đến nay, tất cả xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố đã thành lập và kiện toàn Tổ công nghệ số cộng đồng. Đồng thời thiết lập mạng lưới hạ tầng hỗ trợ Tổ công nghệ số cộng đồng từ cấp thành phố đến người dân thông qua 5 cấp nhóm trên nền tảng Zalo.

Về kết quả xây dựng, phát triển hạ tầng kỹ thuật, đến cuối năm 2024, mạng truyền số liệu chuyên dùng đã triển khai đến 100% xã, phường, thị trấn, các cơ quan Đảng, tổ chức chính trị - xã hội. Bên cạnh đó, 65% sở, ban, ngành, UBND cấp huyện đã thực hiện đầu tư mua sắm, bố trí trang thiết bị công nghệ thông tin phục vụ CĐS. Nhiều nền tảng số phục vụ người dân, doanh nghiệp được hoàn thiện, như: tổng đài Cổng dịch vụ công thành phố 1022, nền tảng trợ lý ảo nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận thực hiện TTHC và dịch vụ công trực tuyến. Hệ thống thông tin giải quyết TTHC thành phố được kết nối, khai thác thông tin, dữ liệu dân cư với các dịch vụ của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, góp phần để người dân thuận lợi hơn khi thực hiện TTHC.

Về cải cách TTHC, quy trình tiếp nhận hồ sơ, luân chuyển, xử lý bảo đảm sự phối hợp liên thông chặt chẽ giữa Bộ phận Một cửa, với các phòng chuyên môn đã tạo môi trường hành chính thông thoáng, hiện đại cho tổ chức, cá nhân đến làm việc. Tại Trung tâm Phục vụ hành chính công TP Cần Thơ, với 159 TTHC có thể liên thông với TTHC đăng ký doanh nghiệp.

Với môi trường hành chính thông thoáng, hiện đại - thành quả của sự nỗ lực của các cấp, các ngành TP Cần Thơ trong việc ứng dụng công nghệ đẩy nhanh việc xây dựng chính quyền điện tử đã góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước. Đồng thời nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp, tạo dựng niềm tin cho cộng đồng qua thực hiện dịch vụ công của các cơ quan công quyền.

Chị Phùng Thị Khánh Ly, nhân viên Công ty TNHH kế toán tư vấn quản lý Tây Nam Á (quận Cái Răng), cho biết là doanh nghiệp chuyên cung cấp dịch vụ kê khai thuế, dịch vụ đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, vì vậy hơn 95% dịch vụ của công ty có phát sinh TTHC đều thực hiện trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Việc giao dịch hồ sơ trên môi trường mạng giúp doanh nghiệp tự kiểm tra tiến độ xử lý hồ sơ, tiết kiệm thời gian cho nhân viên phụ trách. Còn bà Lê Nguyễn Ngọc Bích ở xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền, chia sẻ: “Tôi dùng tài khoản VNeID để kết nối đến Cổng Dịch vụ công của Bộ Công an để thực hiện TTHC đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông, chỉ mất 15 phút để hoàn thành hồ sơ, đồng thời nhận được thông báo hẹn trả kết quả sau 8 ngày làm việc. Nếu làm hồ sơ trực tiếp, tôi phải đến Phòng Quản lý xuất, nhập cảnh - Công an TP Cần Thơ, thì nay tôi chỉ cần ở nhà lên mạng, rất tiện ích”.

Hay anh Lê Trung An ở phường Hưng Lợi, quận Ninh Kiều vừa khai trương cửa hàng kinh doanh mỹ phẩm. Sau khi được anh tư vấn, khách hàng “ưng bụng” sản phẩm nào, sẽ quét mã QR thanh toán. “Tôi thường xuyên sử dụng các ứng dụng số để thanh toán các loại thuế, phí và giao dịch hồ sơ trực tuyến” - anh An nói. Trường hợp của anh Trương Thanh Tùng, chủ hộ kinh doanh ở phường Hưng Thạnh, quận Cái Răng, cũng đăng ký kinh doanh qua Cổng Dịch vụ công quốc gia và nhận kết quả tại nhà qua dịch vụ bưu chính công ích. Cả anh An và anh Tùng đều đồng thuận cho rằng có nhiều tiện ích từ thành quả của CÐS, nhất là trong giao dịch với cơ quan nhà nước. Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ số đang góp phần thay đổi nhận thức của không chỉ cán bộ các cơ quan công quyền mà còn thúc đẩy người dân ứng dụng công nghệ số khi thực hiện TTHC và tạo động lực học tập để bắt kịp xu hướng công nghệ của cả khu vực công, khu vực tư.

Cùng với phát triển kinh tế số và xã hội số, chính quyền số được xác định là một trong ba trụ cột ưu tiên hàng đầu của thành phố. Thực hiện mục tiêu này, cấp ủy, chính quyền luôn quan tâm, chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiệm vụ, giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển chính quyền số nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động. Thời gian qua, thành phố đã đạt một số kết quả đáng khích lệ như: phát triển hạ tầng số, các nền tảng dùng chung; từng bước hình thành kho dữ liệu dùng chung của thành phố. Những lợi ích căn bản mà chính quyền điện tử đã mang lại, đó là làm tăng hiệu quả làm việc của các cơ quan và chính quyền các cấp; tính công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước được nâng lên.

Bài, ảnh: QUỐC THÁI

--------------

Bài cuối: Hướng đến chính quyền hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả

Chia sẻ bài viết