16/03/2018 - 15:09

Lần đầu tiên ghép phổi thành công từ người cho chết não 

Bệnh nhân đầu tiên được ghép phổi thành công từ người cho chết não tại Việt Nam là nam giới, 54 tuổi. Ca ghép được thực hiện tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Bệnh viện 108).

Bệnh nhân ghép thận cũng từ nguồn tạng được hiến từ người cho chết não sức khỏe cũng đã ổn định. VGP/Thuý Hà

Ca phẫu thuật được thực hiện ngày 26/2, kéo dài gần 8 giờ đồng hồ. Hiện sức khỏe bệnh nhân tiến triển tốt, huyết động ổn định, chức năng hô hấp tốt và đã tự đi lại bình thường. Ca ghép được thực hiện từ người cho chết não 45 tuổi. Từ khi biết có người chết não, đến khi gia đình đồng ý và tới lúc ghép phổi cho bệnh nhân chỉ kéo dài 40 giờ đồng hồ.

Đây là ca ghép phổi lần đầu tiên từ người cho chết não thực hiện tại Việt Nam. Cuộc phẫu thuật có sự tham gia của hơn 60 thành viên từ các khoa, phòng của Bệnh viện 108, cùng sự hỗ trợ của 3 chuyên gia đến từ Bệnh viện Foch của Pháp. Bệnh nhân được ghép phổi trước đó bị suy hô hấp do bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính giai đoạn cuối, phải thở máy liên tục và nguy hiểm tính mạng bất kỳ lúc nào.

GS.TS. Mai Hồng Bàng, Giám đốc Bệnh viện 108 cho biết, khó khăn nhất của kỹ thuật ghép phổi từ người chết não là làm sao phải giữ nguyên phổi trong thời gian ngắn để vận chuyển và tìm được người có các chỉ số tương thích để ghép phổi. Nó khó khăn hơn nhiều so với ghép phổi từ người cho sống. Trường hợp này còn ghép 2 phổi đồng thời, nên càng phức tạp.

Cùng thời điểm, từ người cho chết não, Bệnh viện 108 cũng đã ghép thận cho 1 bệnh nhân khác, ghép giác mạc cho 2 người, đồng thời phối hợp với Bệnh viện Việt Đức, Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia thực hiện 1 ca ghép tim xuyên Việt từ Hà Nội vào TPHCM và 1 ca ghép thận khác. Như vậy, đây là một ca ghép đa tạng, 6 người đã được cứu sống từ nguồn tạng hiến tặng của 1 người cho chết não. 

Cũng theo GS.TS. Mai Hồng Bàng, đến thời điểm hiện tại, ca ghép tim và thận ở TPHCM, cùng các ca ghép khác, bệnh nhân đều tiến triển tốt. Sau ca phẫu thuật này, Bệnh viện 108 sẽ tiếp tục trang bị cơ sở vật chất và đào tạo nhân lực để thực hiện các kỹ thuật ghép tim, tim phổi, ghép tử cung, ghép chi, ghép ruột... trong tương lai.

Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ

Chia sẻ bài viết