31/03/2018 - 16:12

Lần đầu tiên ĐBSCL triển khai kỹ thuật cấy ốc tai điện tử cho trẻ khiếm thính 

(CT)- Giáo sư Prepa - Đại học Malaya (Malaysia), Phó Giáo sư - Tiến sĩ - bác sĩ Lâm Huyền Trân - Trưởng Bộ môn Tai mũi họng Trường Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh và các bác sĩ Bệnh viện Tai mũi họng TP Cần Thơ đã thực hiện phẫu thuật cấy ốc tai điện tử cho hai bệnh nhân khiếm thính bẩm sinh. Đây là kỹ thuật cao với hiệu quả điều trị cao cho trẻ khiếm thính, lần đầu tiên được thực hiện tại ĐBSCL. Chương trình phẫu thuật có sự hỗ trợ kinh phí của Hội tai mũi họng TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, tặng 50 triệu đồng/ca phẫu thuật.

Bác  sĩ Lâm Huyền Trân đại diện đơn vị tài trợ trao tiền cho gia đình bệnh nhi.

Trường hợp thứ nhất là em Ph. Kh. N. (10 tuổi, ở tỉnh Khánh Hòa) và thứ hai là nữ bệnh nhân 17 tuổi, ở Cần Thơ. Các em đều được phát hiện bệnh trong năm đầu tiên chào đời, có sử dụng máy trợ thính nhưng không nghe rõ, ảnh hưởng đến việc phát triển kỹ năng nghe - nói. Theo các chuyên gia, hai bệnh nhân thuộc nhóm  tỷ lệ 2,5 đến 3% trẻ em bị khiếm thính bẩm sinh trong tổng số trẻ chào đời. Cấy ốc tai điện tử là kỹ thuật cao được chỉ định thực hiện cho những trường hợp này và tỷ lệ thành công khoảng 90% trở lên khi trẻ được phẫu thuật sớm, giai đoạn 2 - 3 tuổi - giai đoạn trẻ học nghe - nói.

Bác sĩ CKII Lê Quốc Chánh, Giám đốc BV Tai mũi họng TP Cần Thơ chia sẻ, kỹ thuật cấy ốc tai điện tử được chuyển giao cho BV là tiền đề để BV tiếp tục chương trình điều trị cho trẻ khiếm thính, giúp trẻ hòa nhập cộng đồng, cải thiện chất lượng cuộc sống. Tiếp nối chương trình này, BV có kế hoạch xây dựng trung tâm thính học, hướng đến mục tiêu chẩn đoán lâm sàng đối với trẻ khiếm thính cũng như huấn luyện ngôn ngữ cho trẻ sau cấy ốc tai điện tử.

Hiện nay, hầu hết khoa sản các BV có triển khai chương trình sàng lọc các bệnh bẩm sinh ở trẻ sơ sinh, trong đó có bệnh khiếm thính. Bác sĩ Lê Quốc Chánh khuyến cáo, các bậc phụ huynh cần tầm soát bệnh lý sơ sinh cho trẻ, đồng thời, ghi nhận các dấu hiệu bất thường của trẻ để điều trị kịp thời. Việc phát hiện sớm bệnh khiếm thính ở trẻ sơ sinh có ý nghĩa quan trọng, để trẻ được chỉ định giải pháp phù hợp như đeo máy nghe hoặc cấy ốc tai điện tử, giúp trẻ có thể học nghe - nói trong giai đoạn tập nói, tăng cơ hội nghe nói cho trẻ.

THU SƯƠNG

Chia sẻ bài viết