23/03/2011 - 09:02

KỲ HỌP THỨ 9, QUỐC HỘI KHÓA XII:

Làm rõ sự tham gia của Viện Kiểm sát nhân dân trong tố tụng dân sự

* Thảo luận dự án Luật Thủ đô

(TTXVN)- Sáng 22-3, Quốc hội làm việc tại Hội trường, thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự.

Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH Lê Thị Thu Ba trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự.

Đa số đại biểu QH tán thành với dự thảo nên có sự tham gia của Viện kiểm sát trong tố tụng dân sự, tuy nhiên việc tham gia ở mức nào, tham gia đến đâu là vấn đề cần làm rõ. Theo UBTVQH, kiểm sát viên tham gia các phiên tòa, phiên họp giải quyết vụ việc dân sự là để thực hiện chức năng, nhiệm vụ kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động xét xử của Tòa án nhằm bảo đảm tuân thủ đúng pháp luật trong việc giải quyết các vụ việc dân sự, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, lợi ích của nhà nước... Tuy nhiên, do tính chất của phiên tòa, phiên họp có khác nhau nên không thể quy định trách nhiệm của kiểm sát viên khi tham gia tại mỗi giai đoạn như nhau. Do đó, dự thảo đã được chỉnh lý để vừa bảo đảm điều kiện để Viện kiểm sát thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của mình trong tố tụng dân sự, vừa bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của các bên đương sự phù hợp với từng giai đoạn tố tụng...

* Chiều 22-3, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Thủ đô.

Qua thảo luận, về cơ bản các ý kiến của đại biểu Quốc hội đều tán thành với sự cần thiết phải ban hành Luật Thủ đô nhằm tạo cơ sở pháp lý để xây dựng, quản lý và phát triển Thủ đô giàu đẹp, văn minh, hiện đại, tiêu biểu cho cả nước. Nhiều ý kiến cho rằng, tuy Hà Nội cũng là đơn vị hành chính cấp tỉnh, nhưng với vị trí, vai trò là Thủ đô của cả nước thì Hà Nội có những đặc thù nhất định. Cụ thể, Hà Nội là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, nơi đặt trụ sở các cơ quan đầu não Trung ương của Đảng, Nhà nước và các Tổ chức chính trị - xã hội, Cơ quan ngoại giao, Tổ chức quốc tế và là nơi diễn ra các hoạt động đối nội, đối ngoại quan trọng nhất của đất nước. Vì vậy, Hà Nội cần phải được bảo đảm tốt các điều kiện về cơ sở vật chất, hạ tầng, dịch vụ; bảo đảm vững chắc về quốc phòng, an ninh để làm tròn chức năng, nhiệm vụ của Thủ đô. Đa số các vị đại biểu Quốc hội đều tán thành với việc quy định một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với Hà Nội để có thể khai thác hiệu quả tiềm năng, phát huy thế mạnh nhằm xây dựng, quản lý và phát triển Thủ đô xứng đáng là bộ mặt của cả nước.

Sáng mai (23-3), các đại biểu Quốc hội làm việc tại Hội trường.

Chia sẻ bài viết