Bài, ảnh: Kiến Quốc
Gia đình là chiếc nôi nuôi dưỡng, là môi trường hình thành và phát triển nhân cách mỗi cá nhân. Con trẻ từ khi được sinh ra đến lúc trưởng thành đều nhận được sự giáo dục, định hướng từ gia đình. Và để dạy con điều hay lẽ phải, trước hết, các bậc phụ huynh phải là tấm gương sáng từ lời nói đến những hành động trong cuộc sống thường nhật.
Phụ huynh cần dành nhiều thời gian gần gũi, chăm sóc, giáo dục con trẻ.
Có khách đến nhà chơi, bé Mai Khôi, 11 tuổi ở quận Ninh Kiều, nhanh nhẹn mở cửa, hướng dẫn khách vào nhà. Cô bé còn phụ mẹ dọn dẹp đồ đạc trên bàn, lễ phép mời khách dùng bánh, trái cây... Chia sẻ về cách dạy con, chị Nguyễn Hồng Trang - mẹ bé Mai Khôi, cho biết: “Mỗi đứa trẻ đều có tính cách khác nhau. Theo tôi, phụ huynh có vai trò rất quan trọng trong việc giáo dục, rèn luyện con trẻ. Và để dạy con tốt, trước hết ông bà, cha mẹ phải là tấm gương sáng”. Trong quá trình dạy con, chị Trang không áp đặt, thay vào đó chị luôn quan tâm theo dõi, quan sát từng hành động, cử chỉ và tâm lý của con để có thể uốn nắn. Đối với bé Mai Khôi, chị thường xuyên động viên, khuyến khích và treo thưởng khi bé làm được những việc tốt, như phụ tiếp mẹ dọn dẹp nhà cửa, học tập đạt thành tích tốt...
Cùng quan điểm với chị Hồng Trang, chị Hồng Nga ngụ quận Ninh Kiều, cho rằng, không gì thuyết phục con cái bằng những hành động, việc làm của cha mẹ. Chị Hồng Nga kể: “Với con, tôi luôn nhắc nhở, khuyên con không sử dụng điện thoại quá nhiều vì sẽ ảnh hưởng đến việc phát triển tâm lý. Trong khi đó, công việc của tôi là kinh doanh thức ăn online, nên hầu như suốt ngày đều phải cầm điện thoại. Có lần, tôi rầy con sử dụng điện thoại chơi game, con tôi đã “bật” lại: “Mẹ cũng xem điện thoại mà!”. Dù rằng đó là công việc kiếm tiền nuôi sống gia đình nhưng câu nói của con khiến tôi phải suy nghĩ lại hành vi của mình”. Sau sự việc này, chị Hồng Nga rút kinh nghiệm và thay đổi bản thân. Chị chủ động lập thời gian kinh doanh mua bán để tránh việc lướt điện thoại ngay khi ở cạnh con. Mặt khác, để con trẻ được phát triển một cách toàn diện nhất, vợ chồng chị dành nhiều thời gian quan tâm, lắng nghe con trò chuyện và thường xuyên tổ chức để gia đình cùng đi du lịch hoặc tham gia các trò chơi vận động, tạo sự gắn kết giữa các thành viên.
Nói đến việc dạy con, anh Minh Thái ở quận Cái Răng, chia sẻ: “Tôi đã chứng kiến một gia đình có cha mẹ thường xuyên cãi vã, hỗn hào với người lớn tuổi, nên con trẻ trong nhà có tính hung hăng, hay ăn vạ và lớn tiếng với ông bà mỗi khi không được chiều chuộng theo ý muốn”. Từ những bài học trên, vợ chồng anh Thái rút kinh nghiệm, trong quá trình dạy con, anh chị luôn làm gương cho con từ những việc nhỏ, đơn giản: giúp nhau làm việc nhà, tham gia giao thông đúng quy định pháp luật... Đặc biệt, vợ chồng anh chị thống nhất nguyên tắc không cãi nhau trước mặt con, luôn giữ lời hứa, cư xử tôn trọng và yêu thương người thân của mình.
Theo các chuyên gia tâm lý, cha mẹ chính là người thầy đầu tiên của con. Hằng ngày, con trẻ sẽ quan sát, học hỏi những hành vi, cử chỉ, lời nói của cha mẹ và về lâu dài sẽ tạo nên tính cách. Do vậy, các bậc phụ huynh cần theo dõi sát sao, đúc kết và tìm ra phương pháp phù hợp, đúng đắn nhất để dạy con. Mặc khác, đây cũng là quá trình để các bậc phụ huynh tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm và bài học trong cuộc sống.