18/02/2023 - 08:52

Làm bạn cùng con 

MÂY HỒNG    

“Tôi luôn đinh ninh mình hiểu con nhất, mãi đến khi con bước vào tuổi 12, lắm lúc, tôi cảm thấy mệt mỏi bởi con hay chống đối, xa cách mình…” - đó là những dòng tâm sự của một người mẹ có con gái đang tuổi dậy thì. Thông thường, ở độ tuổi này, trẻ có nhiều xáo trộn trong cảm xúc, tính cách. Theo các chuyên gia tâm lý, thay vì đối đầu hay áp đặt con trẻ theo ý mình, phụ huynh nên làm bạn, thậm chí “hồi teen” để sẻ chia và thấu hiểu con.

Chị Kim Hằng luôn gần gũi chia sẻ cùng con trai trên tinh thần “làm bạn cùng con”. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Chị Ngọc Hà ngụ tại quận Ninh Kiều, dù đã chuẩn bị tinh thần khá kỹ để hòa nhập cùng con ở độ tuổi teen nhưng vẫn bất ngờ với những thay đổi của cô con gái tròn 12 tuổi. “Từ khi con vào lớp 6, các cuộc trò chuyện, đi chơi giữa hai mẹ con thưa dần. Lúc nhỏ, đi học về đến nhà, con cứ líu lo kể chuyện trường, lớp. Còn giờ, tôi cố gắng hỏi lắm con mới trả lời hờ hững “có” hoặc “không”, thậm chí đôi khi con còn cáu gắt khi tôi hỏi chuyện cá nhân. Về đến nhà, con chỉ thích ở trong phòng, lầm lì, khó gần” - chị Ngọc Hà tâm sự. Không dừng lại ở đó, con gái chị còn đua đòi phấn son… Một lần lén xem điện thoại của con, chị vô cùng “sốc” khi thấy con diện thời trang “thiếu vải”, tự tạo dáng, tự chụp hình để gửi cho bạn bè. Không kiềm chế được cơn giận, chị đánh con vài roi. Hành động này khiến con càng xa cách, chống đối và chị càng cảm thấy bất lực.

Vợ chồng chị Tú ngụ tại quận Cái Răng, cũng cảm thấy bối rối vì con trai ngày càng bướng bỉnh, không vâng lời, học hành sa sút. Năm 14 tuổi, con trai chị Tú thường xuyên thức khuya, bỏ học để chơi game hàng giờ trên điện thoại. Vợ chồng chị mãi lo làm ăn nên không để ý. Ðến lúc cô giáo chủ nhiệm gọi điện thoại thì anh chị mới tá hỏa, liên tục quát mắng con là “đứa bỏ đi” và so sánh con với những trẻ khác. Hậu quả là con trai anh chị giận dỗi, bỏ sang nhà bạn ở tận 2 hôm. Trao đổi với nhiều bà mẹ có con cùng trang lứa, chị Tú thấy rằng nhiều phụ huynh cũng rơi vào tình huống tương tự. Vợ chồng chị bàn bạc với nhau thay đổi cách dạy con. Thay vì tịch thu điện thoại và theo dõi con 24/24 giờ như trước, chị Tú khích lệ con tham gia vào những hoạt động trải nghiệm tích cực, phù hợp lứa tuổi. Ðồng thời, chị nhỏ nhẹ hơn khi trò chuyện cùng con. Thời gian “khủng hoảng” kéo dài hơn 2 năm, đến nay, con trai chị đã ngoan ngoãn và cởi mở, chia sẻ nhiều hơn với người thân trong gia đình.

Luôn đồng hành cùng cậu con trai Nam Trung (16 tuổi) từ lúc nhỏ, nhưng thời điểm con bước vào tuổi dậy thì, chị Kim Hằng, ngụ quận Ninh Kiều, cũng gặp nhiều khó khăn khi trò chuyện cùng con. Chị Hằng chia sẻ: “Lúc nhỏ, làm việc gì thì con cũng “Mẹ ơi! mẹ à!”. Nhưng đến tuổi dậy thì, con trở nên cộc tính, thích trò chuyện với bạn bè thay vì với mẹ”. Theo chị Hằng, trẻ bước vào giai đoạn dậy thì, tâm sinh lý thay đổi phức tạp, buồn vui thất thường và thích khẳng định bản thân. Nhiều phụ huynh vì không hiểu sự thay đổi này nên hay ép buộc con làm theo những điều mình muốn, nếu con không vâng lời thì la mắng.

Với chị Hằng, chị luôn giữ quan niệm “dạy con chính là làm bạn cùng con”. Trong nhiều cuộc trò chuyện, 2 mẹ con chị hay xưng hô với nhau bằng “cậu, tớ” và thường xuyên đi uống trà sữa, vui chơi cùng bạn bè để tạo sự thoải mái nhất định. Chị luôn chủ động chia sẻ, trao đổi cùng con những chuyện vui buồn ở lớp nhưng đồng thời cũng cho con có không gian riêng. Nhờ vậy, tình cảm giữa 2 mẹ con ngày càng khắn khít. “Cũng có lúc con trai làm những việc trái ý nhưng tôi luôn kiềm chế sự nóng nảy, không quát tháo la mắng con lớn tiếng, tuyệt đối không dạy con theo kiểu đòn roi, không áp đặt con phải sống theo quy định của ba mẹ mà thay vào đó là phân tích, hướng dẫn cho con điều hay lẽ phải” - chị Hằng kể. Ðặc biệt, ở lứa tuổi dậy thì, chị Hằng luôn quan tâm dạy cho con biết sớm về kiến thức giới tính; trao đổi cùng giáo viên chủ nhiệm để cập nhật tình hình của con ở lớp. Biết chuyện con trai có bạn gái, chị chủ động trò chuyện với con về những chủ đề tế nhị để xây dựng cho con nhận thức và hành động đúng đắn.  

Bắt đầu bước vào độ tuổi dậy thì (từ 10-15 tuổi đối với bé gái và từ 12-17 tuổi đối với bé trai), trẻ sẽ có những thay đổi của cơ thể kèm theo đó là sự xáo trộn về cảm xúc, tâm lý, tính cách. Theo các chuyên gia tâm lý, gia đình có vai trò vô cùng quan trọng trong việc đồng hành, giáo dục con cái phát triển theo hướng tích cực trong giai đoạn tuổi dậy thì. Hầu hết xung đột giữa cha mẹ và trẻ ở tuổi này là do cha mẹ chưa hiểu hết những diễn biến tâm lý của con trẻ. Sự bận rộn công việc, cuộc sống hiện đại cũng là nguyên nhân đẩy cha mẹ và con cái tách xa nhau hơn. Ðể rút ngắn khoảng cách giữa con cái và cha mẹ, cách tốt nhất là cha mẹ nên lắng nghe con chia sẻ về việc học tập, vui chơi, bạn bè… Ðồng thời, hãy đặt mình vào vị trí của con để thấu hiểu và dễ dàng dạy bảo con thay vì ra lệnh, cấm đoán, để từ đó, giúp con trẻ dễ dàng vượt qua những “khủng hoảng” tuổi dậy thì.

Chia sẻ bài viết