Bài, ảnh: T. TRINH
Dự án đường sắt TP Hồ Chí Minh - Cần Thơ có vai trò quan trọng kết nối trung tâm vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với trung tâm vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL. Do vậy, các địa phương vùng ĐBSCL kỳ vọng dự án sớm triển khai hoàn thành, tạo xung lực phát triển kinh tế - xã hội cho vùng...
Sơ đồ tuyến đường sắt TP Hồ Chí Minh - Cần Thơ.
Theo thiết kế, tuyến đường sắt TP Hồ Chí Minh - Cần Thơ dài 175,2km với 13 ga trên tuyến, đi qua 6 tỉnh, thành phố, gồm: Bình Dương, TP Hồ Chí Minh, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long và TP Cần Thơ. Điểm đầu ở ga An Bình, phường An Bình, TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương và điểm cuối tại ga Cần Thơ, phường Phú Thứ, quận Cái Răng, TP Cần Thơ. Các ga đầu mối gồm: ga An Bình, ga Tân Kiên, ga Thạnh Đức và ga Cần Thơ. Đường sắt theo tiêu chuẩn đường đôi, khổ 1.435mm, tàu khách có tốc độ tối đa là 200 km/giờ, tàu hàng là 120 km/giờ. Công nghệ được lựa chọn cho tuyến đường sắt này là đoàn tàu động lực phân tán cho tàu khách, đoàn tàu động lực tập trung cho tàu hàng.
Chủ đầu tư dự án là Ban Quản lý dự án đường sắt thuộc Bộ Giao thông vận tải. Đơn vị tư vấn lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án là liên danh tư vấn gồm: Công ty CP Tư vấn thiết kế GTVT phía Nam (TEDI South), Công ty CP Tư vấn đầu tư và Xây dựng GTVT (TRICC) và Tổng Công ty Tư vấn thiết kế GTVT- CTCP (TEDI). Sơ bộ tổng mức đầu tư tuyến đường sắt TP Hồ Chí Minh - Cần Thơ khoảng 220.000 tỉ đồng (tương đương 9,31 tỉ USD). Hình thức đầu tư dự kiến là đầu tư đối tác công tư PPP. Trong đó, nguồn vốn nhà nước tham gia dự án để hỗ trợ bồi thường giải phóng mặt bằng và tái định cư, xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng; vốn nhà đầu tư huy động để thực hiện mua sắm thiết bị, phương tiện. Phương án huy động vốn của dự án sẽ huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực; phân bổ và sử dụng nguồn lực nhà nước phù hợp, hiệu quả. Cùng đó, đẩy mạnh hợp tác công - tư, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, kích hoạt mọi nguồn lực xã hội. Để tạo nguồn nội lực cho dự án, tại các vị trí ga còn đủ quỹ đất, dự kiến phát triển mô hình TOD (mô hình phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng). Theo đó, TOD - Transit Oriented Development là hình thức phát triển mới, lấy định hướng phát triển hệ thống giao thông công cộng làm cơ sở quy hoạch phát triển đô thị, lấy đầu mối giao thông làm điểm tập trung dân cư để từ đó hình thành tiếp hệ thống giao thông phân tán.
Đại diện liên danh tư vấn, ông Đặng Minh Hải, Tổng Giám đốc Công ty CP Tư vấn thiết kế GTVT phía Nam, cho biết: Đến nay, dự án đã cơ bản hoàn thành báo cáo cuối kỳ và Bộ GTVT đang lấy ý kiến của các địa phương liên quan để hoàn thiện báo cáo. Dự kiến đến cuối năm 2023 hoàn thành báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án. Đến năm 2025 sẽ trình Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư và triển khai trước năm 2030, xây dựng hoàn thành trước năm 2035.
Đường sắt TP Hồ Chí Minh - Cần Thơ hoàn thành sẽ tạo điều kiện kết nối 2 trung tâm lớn thuộc vùng Đông Nam Bộ và ĐBSCL, tạo nên xung lực phát triển kinh tế - xã hội cho vùng ĐBSCL. Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đường sắt thuộc Bộ GTVT, chia sẻ: Đường sắt TP Hồ Chí Minh - Cần Thơ rất quan trọng, ngoài yếu tố đảm bảo vận chuyển hàng, khách, còn liên kết phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, đặc biệt là các sản phẩm, hàng hóa lợi thế của vùng ĐBSCL. Đồng thời, định hướng kết nối liên vận với các tỉnh, thành khác và xuất khẩu sang nước ngoài…
Hiện nay, Bộ GTVT cùng các địa phương khẩn trương các công tác chuẩn bị, kỳ vọng dự án sớm được triển khai. Theo ông Đinh Văn To, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh An Giang, Bộ GTVT có thể xem xét rút ngắn thời gian hoàn thành dự án này từ năm 2035 xuống năm 2030. Đồng thời, nghiên cứu kéo dài thêm tuyến đường này kết nối với các cửa khẩu quốc tế của vùng như Khánh Bình, Tịnh Biên, Xà Xía...
Ông Lê Tiến Dũng, Giám đốc Sở GTVT TP Cần Thơ, chia sẻ: TP Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL luôn mong muốn đẩy nhanh tiến độ xây dựng tuyến đường sắt TP Hồ Chí Minh - Cần Thơ, cố gắng để dự án được hoàn thành trước năm 2030. Bởi vận tải đường sắt vận chuyển khối lượng rất lớn, tuyến này còn được thiết kế tàu chở khách cả chở hàng, khi hoàn thành đưa vào sử dụng ĐBSCL có thêm phương thức vận tải mới, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng. Bên cạnh đó, phát triển TOD là phương thức rất mới, đây là cơ hội không đơn giản có được, do vậy, các Sở GTVT tham mưu cho chính quyền địa phương quan tâm đến việc quy hoạch và phát triển TOD xung quanh vị trí các nhà ga để có thể phát huy và tận dụng tối đa ưu thế của tuyến đường sắt khi được hoàn thành…
Theo ông Đặng Minh Hải, dự án có quy mô đầu tư lớn, tiêu chuẩn kỹ thuật phức tạp, Việt Nam chưa làm chủ được công nghệ. Cùng đó, dự án đi qua nhiều khu vực đông dân cư, ảnh hưởng đến công tác giải phóng mặt bằng và tiến độ triển khai thực hiện. Do vậy, để dự án sớm triển khai thực hiện, chính quyền địa phương sớm có ý kiến về hồ sơ nghiên cứu báo cáo khả thi dự án của Bộ GTVT. Cùng đó, đồng hành với Bộ GTVT trong quá trình giải trình, làm rõ các ý kiến từ hội đồng thẩm định nhà nước cũng như ý kiến của đại biểu Quốc hội để dự án sớm được thông qua. Mặt khác, dành quỹ đất cho dự án để chủ động trong quá trình tổ chức thực hiện. Các địa phương quan tâm quy hoạch đồng bộ các chuyên ngành, trong đó gắn liền với sự phát triển giao thông với đường sắt, quy hoạch phát triển các khu vực TOD, khu vực xung quanh các nhà ga tạo nguồn nội lực để xây dựng tuyến đường sắt thông qua đấu giá bất động sản, góp phần tăng tính khả thi của dự án…