28/12/2024 - 22:02

Kỷ nguyên tiền điện tử dưới thời ông Trump 

Bitcoin và các loại tiền kỹ thuật số khác đang trở thành tâm điểm chú ý của giới đầu tư toàn cầu, nhờ kỳ vọng chính quyền Mỹ sắp tới tạo ra môi trường chính sách thân thiện hơn với thị trường tiền điện tử. Diễn biến này đồng thời khiến giới phân tích lo ngại động thái ở Washington có thể kích hoạt cuộc khủng hoảng kinh tế khác trên toàn thế giới.

Ngành công nghiệp tiền số hưởng lợi

Thời gian trước, Tổng thống đắc cử Trump xem tiền điện tử là “loại hình lừa đảo” và “mối đe dọa” đối với vị thế thống trị của đồng USD trong kinh tế toàn cầu. Nhưng ở chiến dịch tranh cử năm 2024, tỉ phú New York chuyển sang ủng hộ thị trường tiền mã hóa với tuyên bố sẽ trở thành “tổng thống tiền điện tử” và biến Mỹ thành “thủ đô tiền ảo” của hành tinh.

Ông Trump tuyên bố biến Mỹ thành “siêu cường Bitcoin” tại Hội nghị thượng đỉnh Bitcoin toàn cầu hồi tháng 7-2024. Ảnh: NYT

Việc ông Trump đảo ngược quan điểm về ngành công nghiệp tiền điện tử đã góp phần tạo ra “cơn sốt Bitcoin” với đà tăng vượt mốc tâm lý 100.000 USD. Ước tính, vốn hóa thị trường đồng bitcoin đạt hơn 2.000 tỉ USD và đứng thứ 7 toàn cầu, chỉ sau vàng và các công ty công nghệ lớn như Apple, Nvidia, Microsoft, Amazon và Alphabet. Những tuần gần đây, giá bitcoin có thời điểm lên đỉnh gần 108.000 USD sau khi ông Trump tuyên bố lập Quỹ dự trữ chiến lược bitcoin, tương tự Quỹ dự trữ dầu mỏ chiến lược.

Ông Trump còn đề cử người ủng hộ tiền điện tử nổi tiếng Paul Atkins làm Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC). Ông chủ Nhà Trắng sắp tới của Mỹ cũng chỉ định cựu cầu thủ bóng bầu dục Bo Hines làm Giám đốc điều hành trong khi “ông trùm” công nghệ Nhà Trắng David Sacks làm Chủ tịch Hội đồng cố vấn về tài sản điện tử mới thành lập Crypto Council.

Ông Trump đưa ra loạt động thái thúc đẩy sự hưng phấn của giới đầu cơ tiền điện tử giữa thời điểm các nhân vật nổi tiếng trong ngành gây sức ép lên nhóm cố vấn, trong đó yêu cầu tỉ phú New York thực hiện ngay chương trình cải cách chính sách tiền điện tử như cam kết tranh cử. Theo hãng tin Reuters, ông Trump có kế hoạch ban hành loạt sắc lệnh hành pháp và chỉ thị về mọi vấn đề, từ nhập cư đến năng lượng vào ngày đầu tiên nhậm chức. Các quan chức trong ngành tiền điện tử kỳ vọng tài sản kỹ thuật số cũng nằm trong danh sách đó.

Họ cũng mong trong vòng 100 ngày đầu tiên ở Nhà Trắng, ông Trump sẽ nêu rõ các nguyên tắc cốt lõi cho quy định về tiền kỹ thuật số, thúc đẩy thêm những hành động thiết thực khác như chỉ định bitcoin là “tài sản dự trữ chiến lược” và yêu cầu Bộ Tài chính chi 21 tỉ USD/năm để tích lũy kho dự trữ bitcoin quốc gia. Một số giám đốc điều hành còn kêu gọi chính quyền mới ra sắc lệnh hành pháp, khuyến khích ngân hàng Mỹ cung cấp thêm nhiều dịch vụ tài chính cho các công ty tiền điện tử. Theo Reuters, sắc lệnh như vậy không có hiệu lực về mặt pháp lý vì tính độc lập của các cơ quan quản lý ngành ngân hàng, nhưng động thái này có thể cung cấp sự bảo vệ chính trị cần thiết, đảm bảo ngành công nghiệp điện tử dễ dàng tiếp cận các dịch vụ tài chính truyền thống.

Cuộc cách mạng hay “canh bạc” lợi nhuận?

Quan điểm của Tổng thống đắc cử Trump hiện nay về tiền điện tử trái ngược với “chính sách thù địch” do Nhà Trắng khởi xướng trong nhiệm kỳ của Tổng thống Joe Biden. Theo đó, các cơ quan quản lý Mỹ lo ngại tình trạng tội phạm, an ninh và biến động giá nên đã siết chặt kiểm soát các công ty tiền điện tử để bảo vệ người tiêu dùng. Tuy nhiên, các ý kiến chỉ trích cho rằng cách tiếp cận này là nguyên nhân đẩy nhiều công ty tiền điện tử ra nước ngoài để tìm kiếm thị trường thân thiện hơn, khiến Washington tụt lại phía sau. “Đã có nỗ lực trong bộ máy quan liêu của Mỹ nhằm kìm hãm sự đổi mới... nhưng Tổng thống đắc cử Trump sẽ thực hiện cam kết khuyến khích sự lãnh đạo của Washington trong lĩnh vực tiền điện tử” - người phát ngôn nhóm chuyển giao quyền lực ở Nhà Trắng Brian Hughes cho biết.

Michael Saylor, tỉ phú - nhà sáng lập tập đoàn dịch vụ công nghệ MicroStrategy của Mỹ, là người cổ vũ nhiệt thành cho kế hoạch của ông Trump và chính ông đã “vẽ ra” cho Tổng thống đắc cử về “cuộc phục hưng thị trường vốn được thúc đẩy bởi” bitcoin để “mở khóa hàng ngàn tỉ đô-la tài sản”. Ông Saylor khẳng định: “Một chính sách tài sản kỹ thuật số chiến lược có thể củng cố đồng đô-la Mỹ, trung hòa nợ quốc gia và đưa nước Mỹ trở thành quốc gia dẫn đầu toàn cầu trong nền kinh tế kỹ thuật số thế kỷ 21”. Cụ thể, ông phác thảo các kế hoạch cho kho dự trữ chiến lược bitcoin của Mỹ - dự kiến ​​sẽ tạo ra từ 16.000 - 81.000 tỉ USD, bù đắp cho khoản nợ quốc gia của nước này vốn đã tăng vọt lên hơn 36.000 tỉ USD trong năm nay và qua đó “củng cố đồng đô-la Mỹ làm nền tảng của hệ thống tài chính kỹ thuật số thế kỷ 21”. Ông cũng hình dung việc mở rộng “thị trường vốn kỹ thuật số toàn cầu từ 2.000 - 280.000 tỉ USD  với các nhà đầu tư Mỹ nắm giữ phần lớn khối tài sản” và thúc đẩy “sự tăng trưởng của tài sản kỹ thuật số (ngoài bitcoin) từ 1.000 - 590.000 tỉ USD với Mỹ thống trị ngành này”.

Tuy nhiên, hiện có luồng ý kiến tranh cãi về việc liệu ông Trump có thể sử dụng quyền hành pháp để tạo ra khoản dự trữ tiền số hay không. Trên thực tế, việc Tổng thống đắc cử đưa các nhân vật nổi tiếng trong lĩnh vực tiền số vào những vị trí quan trọng như Chủ tịch SEC sẽ thúc đẩy ngành công nghiệp này hoạt động tự do hơn. Nhưng nó cũng dấy lên hoài nghi về vũ trụ tiền điện tử, trong đó câu hỏi lớn nhất là những “ông trùm” công nghệ sẽ hành động vì lợi ích chung lớn hơn không, đặc biệt khi xét đến bản chất tự do và sự gia tăng của các vụ lừa đảo gần đây về đầu tư có rủi ro cao nhưng không có giá trị thực sự (memecoin).

Câu hỏi khác được đặt ra nữa là, liệu các chính sách của Mỹ có thể gây ra một cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu? Một trong những điểm hấp dẫn lớn của tiền điện tử đối với các cá nhân lẫn nhà đầu cơ là tính biến động vốn có và sự tách biệt khỏi bất kỳ loại giá trị cơ bản nào. Với tương lai tươi sáng đang được vẽ ra, đây là cơ hội lớn cho những người tham gia ngay từ đầu. Những người mới cũng bị thúc đẩy tham gia do ảnh hưởng của tâm lý đám đông và nỗi sợ bỏ lỡ, điều đó có thể dẫn tới hoảng loạn khi thị trường đi xuống. Thực tế, sức khỏe của nền kinh tế số một thế giới là vấn đề của tất cả mọi người, không chỉ riêng người Mỹ. Nếu sự sụp đổ về niềm tin vào giá trị của đồng USD hoặc khả năng trả nợ của Mỹ lan rộng, thì cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu càng có khả năng xảy ra.

MAI QUYÊN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết