12/07/2010 - 08:33

Kỷ nguyên tăng trưởng xanh

Trang trại gió Roscoe rộng 40.500 ha, lớn nhất thế giới ở bang Texas (Mỹ).

Tăng trưởng xanh đang là câu chuyện thời sự khi mà môi trường ngày càng bị ô nhiễm và các nguồn năng lượng hóa thạch sắp cạn kiệt. Tuần rồi, Chính phủ Đức tuyên bố tới trước năm 2050, 100% sản lượng điện ở nước này sẽ có nguồn gốc từ năng lượng tái sinh. Mục tiêu trên hoàn toàn khả thi bởi Đức đang dẫn đầu thế giới về năng lượng tái sinh với 16% điện năng từ gió, năng lượng Mặt trời..., cao gấp 3 lần so với cách đây 15 năm. “Đây là mục tiêu rất thực tiễn dựa trên những công nghệ hiện có”, Chủ tịch Cơ quan Môi trường liên bang Đức Jochen Flasbarth nói một cách lạc quan. Theo ông, chi phí cho việc chuyển sang sử dụng năng lượng tái sinh chẳng thấm vào đâu so với những tổn thất mà biến đổi khí hậu gây ra cho các thế hệ tương lai.

Nhờ thực hiện nghiêm túc Đạo luật Năng lượng tái sinh, Đức hiện là nước sản xuất quang năng lớn nhất hành tinh và dự kiến trong năm nay sẽ tăng sản lượng từ 9.000 MW lên 14.000 MW. Về phong điện, nước này chỉ đứng sau Mỹ. Sản lượng điện từ các nguồn tái sinh tăng cao nên Berlin tin tưởng sẽ hoàn thành mục tiêu đến năm 2020 cắt giảm 40% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính so với năm 1990 (tỷ lệ đó sẽ là 80-85% vào giữa thế kỷ này). Cùng với việc bảo vệ môi trường, năng lượng tái sinh còn tạo ra khoảng 300.000 việc làm ở Đức trong thập niên qua.

Các nước khác trong Liên minh châu Âu (EU) cũng đang đẩy mạnh phát triển năng lượng tái sinh. Báo cáo hồi tuần rồi của Tổ chức Hòa bình xanh và Hội đồng Năng lượng tái sinh châu Âu cho rằng EU có thể sản xuất 92% sản lượng điện từ các nguồn tái sinh trước năm 2050 và giảm 95% lượng khí thải so với năm 1990. Để làm được điều đó, 27 quốc gia trong khối phải đầu tư thêm 2.000 tỉ euro. Tuy số tiền này là rất lớn nhưng vẫn thấp hơn chi phí 2.650 tỉ euro mà EU phải bỏ ra để sản xuất và nhập khẩu nhiên liệu.

Tại Mỹ, Tổng thống Barack Obama khi đi thăm một nhà máy sản xuất xe hơi chạy bằng điện hôm 8-7 đã tuyên bố việc đầu tư mạnh cho năng lượng tái sinh sẽ tạo ra 700.000 việc làm trong vài năm tới. “Ai nắm được năng lượng tái sinh, người đó sẽ lãnh đạo thế kỷ 21”, ông Obama từng nói như vậy. Do đó, ông quyết định đầu tư hơn 200 tỉ USD trong vòng 10 năm vào kế hoạch mang tên “Tương lai năng lượng sạch”. Mục tiêu ngắn hạn của Mỹ là đến năm 2012, 10% điện năng của nước này là từ nguồn tái sinh.

Trong cuộc họp ngày 8 và 9-7 tại Hàn Quốc, các quan chức chính phủ và các nhà hoạch định chính sách của các quốc gia khu vực châu Á-Thái Bình Dương cũng đã nhất trí thông qua chương trình hành động nhằm thúc đẩy tăng trưởng xanh.

Tuy tỷ trọng sử dụng năng lượng tái sinh chưa cao lắm nhưng Hàn Quốc đang nuôi tham vọng lãnh đạo toàn cầu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Năm 2008, chính quyền Tổng thống Lee Myung-bak đã xác định “Ít carbon, Tăng trưởng xanh” là tầm nhìn của nước này trong 60 năm tới. Hồi năm ngoái, Hàn Quốc thông báo chi tới 85 tỉ USD cho việc phát triển năng lượng tái sinh trong vòng 5 năm và hy vọng sẽ tạo ra 1,8 triệu việc làm. Tháng 6 vừa qua, họ lại tiến thêm bước nữa khi được cộng đồng quốc tế ủng hộ thành lập Viện nghiên cứu tăng trưởng xanh toàn cầu có trụ sở tại Seoul, tổ chức liên chính phủ đầu tiên do Hàn Quốc đứng đầu.

LÊ DÂN (Theo Guardian, Dow Jones)

Chia sẻ bài viết