Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc vừa nhất trí về việc tổ chức hội nghị thượng đỉnh ba bên năm 2009 tại thành phố Thiên Tân của Trung Quốc vào ngày 8-10 tới. Hội nghị sẽ có sự tham dự của Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào, Thủ tướng sắp nhậm chức Nhật Bản Yukio Hatoyama và Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak. Theo nhật báo Yomiuri (Nhật), ông Hatoyama muốn hội nghị được tổ chức ngay sau khi ông thành lập chính phủ mới, nhằm tỏ thiện chí xây dựng quan hệ chặt chẽ với hai nước láng giềng, như tuyên bố “hướng về châu Á” của đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) trong chiến dịch tranh cử Hạ viện vừa qua.
Trong cương lĩnh tranh cử, DPJ nêu rõ sẽ làm hết sức mình để xây dựng các mối quan hệ tin cậy với Trung Quốc, Hàn Quốc và các nước châu Á, đặc biệt nhấn mạnh quan hệ với Trung Quốc. Theo hãng tin Kyodo, ông Hồ Cẩm Đào là người quen thân với ông Hatoyama và tình bạn giữa họ sẽ đảm bảo giải quyết tốt các vấn đề song phương còn tồn tại.
Về lịch sử, từ khi DPJ thành lập năm 1998, Chủ tịch Hatoyama hay người tiền nhiệm Ichiro Ozawa và các lãnh đạo chủ chốt của đảng này đều đã đến Trung Quốc (chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Hatoyama trên cương vị chủ tịch DPJ hồi tháng 5-2009 là tới Trung Quốc). Ông nội của ông là Ichiro Hatoyama, thủ tướng tại vị lâu nhất nước Nhật sau chiến tranh, đã rất tích cực bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc vào năm 1954, nhưng thất bại vì chính sách kiềm chế của Mỹ trong thời kỳ Chiến tranh lạnh. Cha ông là Lichiro Hatoyama, Ngoại trưởng dưới thời Thủ tướng Takeo Fukuda, cũng từng xúc tiến đàm phán với Trung Quốc về việc ký Hiệp ước hòa bình và hữu nghị Trung - Nhật năm 1976, nhưng bị trì trệ do sức ép từ Liên Xô. Hiện nay, khi chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama muốn hợp tác với Trung Quốc, và Nga đang là đối tác chiến lược của Trung Quốc, có thể sẽ mở ra xu hướng mới cho quan hệ giữa Mỹ, Nhật, Nga và Trung Quốc.
Trước hội nghị tại Thiên Tân, ông Hatoyama dự kiến có cuộc gặp đầu tiên trên cương vị thủ tướng với Chủ tịch Hồ Cẩm Đào bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 tại Pittsburgh (Mỹ) cuối tháng này.
Trong khi đó, Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak đã gởi điện chúc mừng Thủ tướng đắc cử Hatoyama, đồng thời bày tỏ hy vọng tăng cường quan hệ giữa hai nước. Ông Lee Myung-bak cho rằng Hàn Quốc và Nhật “có thể mở ra kỷ nguyên mới”, trong khi ông Hatoyama nói hai nước có thể hợp tác “chặt chẽ hơn”. Shi Yongmin, nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu Quốc tế Trung Quốc, cho rằng DPJ có thuận lợi để cải thiện quan hệ với các nước láng giềng khi không phải thừa kế những di sản do người tiền nhiệm để lại như đảng Dân chủ Tự do (LDP). Từ khi kết thúc Thế chiến thứ hai, nhiều vấn đề của Nhật với các nước láng giềng vẫn nhức nhối như bồi thường nạn nhân chiến tranh, tranh chấp lãnh thổ, “dư âm” của thời kỳ Nhật xâm lược Trung Quốc, Hàn Quốc và các nước châu Á khác. Do đó, để tạo ấn tượng tích cực với Trung Quốc và Hàn Quốc, ông Hatoyama tuyên bố sẽ không thăm đền Yasukuni, nơi thờ các binh sĩ Nhật chết trong Thế chiến thứ hai, vốn được xem là biểu tượng của chủ nghĩa quân phiệt Nhật. Nhiều thủ tướng Nhật tiền nhiệm đã gây căng thẳng với Bắc Kinh và Seoul khi viếng thăm ngôi đền này.
Với những động thái tích cực trên, Đông Bắc Á dường như đang tạo ra tiền đề thuận lợi để tiến tới một giai đoạn hòa bình, ổn định hơn.
N. MINH
(Theo THX, NDNB, Yomiuri)