17/07/2019 - 07:44

Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, dự kiến khai mạc ngày 21-10

Đề nghị nghiên cứu giảm hoặc bỏ thảo luận ở tổ; giảm tối đa tài liệu bằng văn bản giấy

Sáng 16-7, trong khuôn khổ Phiên họp thứ 35, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổng kết Kỳ họp thứ 7, cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 8 của Quốc hội.

Liên quan đến việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, dự kiến Quốc hội sẽ khai mạc vào ngày 21-10-2019 và bế mạc vào ngày 20-11-2019. Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 10 dự án luật và cho ý kiến 8 dự án luật khác.

Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị Chính phủ, các cơ quan hữu quan sớm khẳng định việc trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 8 về các nội dung gồm: Phê chuẩn các Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA); sửa đổi, bổ sung các luật để thực hiện Hiệp định EVFTA và EVIPA; thông qua các nghị quyết về: xử lý nợ tiền thuế, tiền phạt, tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp của người nộp thuế đã phá sản, giải thể, không còn khả năng sản xuất kinh doanh và không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước; thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân phường tại thành phố Hà Nội để thực hiện từ năm 2021 đến năm 2026 và một số cơ chế, chính sách đặc thù cho thành phố Hà Nội.

Tổng Thư ký cũng đề nghị nghiên cứu giảm hoặc bỏ thảo luận ở tổ do hiệu quả chưa cao. Trước mắt, đối với nội dung về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, đề nghị không bố trí thảo luận ở tổ và tăng thời gian thảo luận ở hội trường (từ 2,5 lên 3 ngày), đồng thời giảm thời gian phát biểu của đại biểu từ 7 phút xuống còn 5 phút.

Tổng Thư ký Quốc hội kiến nghị giảm tối đa tài liệu bằng văn bản giấy, đồng thời nâng cấp để tăng tiện ích của phần mềm cung cấp, thông tin tài liệu kỳ họp trên thiết bị di động, bảo đảm tiến độ chuẩn bị và gửi tài liệu để thuận tiện cho việc nghiên cứu, sử dụng tài liệu điện tử. Bên cạnh đó, cải tiến việc xin ý kiến đại biểu Quốc hội bằng hệ thống điện tử theo hướng trên màn hình điện tử thể hiện đồng thời cả “phương án 1” và “phương án 2” để đại biểu bấm nút chọn một trong hai phương án (thay vì bấm nút chọn “đồng ý” hoặc “không đồng ý” đối với từng phương án).

PHAN PHƯƠNG (TTXVN)

Chia sẻ bài viết