10/05/2013 - 08:50

Kinh tế Trung Quốc chưa thể “soán ngôi” Mỹ trong thế kỷ 21

Mặc dù các con số thống kê trên phần lớn các bảng xếp hạng cho thấy Trung Quốc có thể "qua mặt" Mỹ vào năm 2030, hoặc 2025 thậm chí là ngay năm 2017 để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, tờ Điện tín của Anh cho rằng kết luận trên phần nào mang tính chủ quan trước nghi ngại của một số chuyên gia khi đưa ra cảnh báo rằng "phép lạ kinh tế Trung Quốc" trong 30 năm qua sắp hết "hiệu nghiệm".

Lão hóa dân số đang trở thành thách thức đối với kinh tế Trung Quốc. Ảnh: AFP 

Thông tin từ bài báo cho biết, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã yêu cầu chính phủ nước này gia tăng kiểm soát tình trạng "đầu tư thái quá" ở các vùng khi nguồn tài chính của chính quyền địa phương "ngoài tầm kiểm soát". Ông Lý cũng hạ mục tiêu tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc ở mức giới hạn an toàn 7% GDP trong năm tiếp theo và kiềm chế hoạt động đầu tư tràn lan trước khi chuỗi hưng thịnh-suy sụp hình thành và đổ vỡ.

Theo các báo cáo, kinh tế tăng trưởng hiện tại của Trung Quốc đạt mức 7% GDP, nhưng Hội đồng Nghiên cứu Phát triển Trung Quốc (DRC) dự báo mức tăng trưởng này sẽ còn tiếp tục giảm xuống 6% vào năm 2020. Tuy nhiên, số liệu từ Tổ chức Nghiên cứu Conference Board của Mỹ cho biết chỉ số tăng trưởng trung bình của Trung Quốc thậm chí ở mức 3,7% vào giai đoạn 2019-2025 khi tình trạng khủng hoảng do lão hóa dân số lên mức đỉnh điểm. Theo Giáo sư Michael Pettis đang công tác tại Đại học Bắc Kinh, khả năng thúc đẩy kinh tế tăng trưởng từ 3% đến 4% đối với Trung Quốc trong vòng 10 năm tới có thể diễn ra rất chậm và điều này còn tùy thuộc vào quá trình "giữ chân" các nhà đầu tư trong nước. Vì vậy, tăng trưởng của Trung Quốc trong thời gian tới không thể cao hơn so với tỷ lệ ước tính 3% của một nước Mỹ "tái sinh" sau sụp đổ của hệ thống ngân hàng hồi năm 2008.

Dựa trên quan điểm mới, tờ Điện tín của Anh cho rằng cuộc khủng hoảng năm 2008 là "cú sốc" đối với kinh tế Mỹ, và tác động của nó cũng làm tê liệt châu Âu cũng như ảnh hưởng không nhỏ tới Trung Quốc trên nhiều phương diện và theo những phương thức khác nhau. Tuy nhiên, đó không phải là "đòn quyết định" hạ gục các doanh nghiệp Mỹ. Với sự bùng nổ năng lượng và hồi sinh của các ngành hóa chất, sắt thép, thủy tinh, và một số ngành công nghiệp giấy, nước Mỹ đang từng bước tạo ra "thập kỷ thứ hai của Thế kỷ Mỹ"- theo Chủ tịch Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Mỹ Richard Haass.

Mặt khác, dựa vào ảnh hưởng của vấn đề nhân khẩu học Trung Quốc, bài báo cho rằng dù Trung Quốc có thể tạo ra cuộc cách mạng kinh tế lần thứ 2 thì tốc độ tăng trưởng của nước này vẫn bị chậm lại đáng kể.

Cuộc khủng hoảng lão hóa dân số của Trung Quốc là câu chuyện viết tiếp của Nhật Bản mặc dù diễn tiến chậm hơn 20 năm. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết, Trung Quốc đang đến gần với khái niệm "bước ngoặt Lewis" ("Lewis point"- vốn chỉ điểm mốc lao động giá rẻ ở vùng nông thôn trở nên khan hiếm và mức lương bắt đầu gia tăng nhanh chóng) khi nguồn cung ứng nhân công của Trung Quốc chạm mốc cao nhất với 150 triệu người trong năm 2010 nhưng sẽ bắt đầu giảm xuống cho đến năm 2020. Và mười năm sau đó, nước này sẽ phải đối mặt với sự thiếu hụt gần 140 triệu người lao động. "Điều này sẽ có tác động sâu rộng đối với cả Trung Quốc và phần còn lại của thế giới"- theo IMF.

VI VI (Theo Telegraph)

Chia sẻ bài viết