10/10/2019 - 09:12

Kinh tế toàn cầu ảm đạm bởi thương chiến Mỹ-Trung 

Kinh tế toàn cầu đang phải “trả giá” vì chiến tranh thương mại Mỹ-Trung Quốc với thiệt hại ước tính lên đến 700 tỉ USD vào năm 2020, tương đương 0,8% GDP toàn cầu.

Tổng thống Trump (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc gặp bên lề thượng đỉnh G20 tại Nhật Bản hồi tháng 6. Ảnh: AFP

Phát biểu hôm 8-10, tân Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva cho biết kinh tế toàn cầu đang rơi vào tình trạng giảm tốc đồng loạt với 90% các nước trên thế giới dự kiến tăng trưởng chậm lại trong năm nay. Theo bà, nhiều quốc gia sẽ sớm nhận thấy hậu quả của xung đột thương mại khi tình trạng giảm tốc kinh tế trở nên tồi tệ hơn, đẩy thế giới tiến gần nguy cơ hệ thống toàn cầu hóa bị phá vỡ.

Trong dự báo kinh tế sắp được công bố, IMF dự kiến tiếp tục hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2019 xuống mức thấp nhất kể từ đầu thập kỷ này. Trước đó, IMF trong báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới hàng quý công bố hồi tháng 7 dự báo kinh tế toàn cầu năm nay tăng trưởng 3,2% và 3,5% vào năm 2020. Tỷ lệ này giảm 0,1% so với dự báo hồi tháng 4 và cũng là lần cắt giảm thứ tư kể từ tháng 10-2018. Phân tích của IMF còn cảnh báo suy thoái lan rộng trên toàn cầu đẩy khối nợ khu vực doanh nghiệp lên tới 19 nghìn tỉ USD. Con số này cao hơn so với thời kỳ khủng hoảng tài chính năm 2008. Dự đoán của IMF đưa ra giữa lúc hệ thống ngân hàng trung ương toàn cầu bắt đầu triển khai đợt cắt giảm lãi suất mới và nới lỏng chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, hiệu ứng kích cầu có thể bị hạn chế nếu không sớm khắc phục các lỗ hổng tài chính. Trước tình trạng này, bà Georgieva cho biết chính phủ nhiều nước phải tìm cách kiềm chế nợ công song song với việc thúc đẩy các chính sách tài khóa thay thế. Bà Georgieva cũng kêu gọi các quốc gia giải quyết mối quan tâm chính đáng liên quan hoạt động thương mại như giảm trợ cấp, tăng cường bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và loại bỏ chuyển giao công nghệ bắt buộc.

Cảnh báo u ám của lãnh đạo IMF về triển vọng kinh tế toàn cầu đưa ra trước thềm vòng đàm phán thương mại thứ 13 giữa quan chức Mỹ và Trung Quốc. Phái đoàn do Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc dẫn đầu dự kiến gặp gỡ đối tác Mỹ tại Washington trong ngày 10 và 11-10. Hai bên được kỳ vọng đạt thỏa thuận đình chiến dựa trên điều kiện Trung Quốc sẽ mua thêm nông sản và năng lượng Mỹ nếu Washington trì hoãn tăng thuế với hàng nhập khẩu Trung Quốc.

Tuy nhiên, triển vọng tháo gỡ bế tắc kéo dài 15 tháng qua giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới tiếp tục bị lu mờ khi Bắc Kinh phát tín hiệu chưa muốn đi đến thỏa thuận thương mại toàn diện như Tổng thống Mỹ Donald Trump mong đợi. Nói trong điều kiện giấu tên, một nhà ngoại giao Trung Quốc khẳng định họ muốn đạt thỏa thuận với Mỹ nhưng không phải theo giải pháp “kẻ thắng, người thua”. Theo vị này, Bắc Kinh phải bảo vệ chủ quyền và quyền phát triển kinh tế. Vấn đề ở đây là Washington cần chấp nhận sự khác biệt giữa hệ thống kinh tế hai nước, đặc biệt mô hình phát triển do nhà nước lãnh đạo của Trung Quốc. Trong các vòng đàm phán trước đó, hai bên đã rất thận trọng trước yêu cầu của Mỹ về việc Bắc Kinh phải cải thiện quyền bảo vệ sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp Mỹ, chấm dứt hành vi trộm cắp tài sản không gian mạng và ép buộc chuyển giao công nghệ, hạn chế trợ cấp công nghiệp cũng như mở rộng thị trường cho doanh nghiệp Mỹ. 

Giữa lúc đàm phán Mỹ-Trung có nguy cơ chệch hướng, chính quyền Trump hôm 8-10 đã áp lệnh hạn chế thị thực đối với hàng loạt quan chức Trung Quốc bị cáo buộc vi phạm nhân quyền. Biện pháp chế tài được đưa ra một ngày sau khi Bộ Thương mại Mỹ bổ sung vào danh sách trừng phạt 28 thực thể Trung Quốc, bao gồm cơ quan an ninh chính phủ và một số công ty công nghệ lớn như Hikvision và Dahua Technology.

MẠNH TRƯỜNG (Theo Reuters, Bloomberg)

Chia sẻ bài viết