18/05/2020 - 19:14

Kinh tế Mỹ, Nhật lao đao 

Hai nền kinh tế lớn nhất và thứ ba thế giới bước vào giai đoạn suy thoái trong bối cảnh doanh nghiệp cùng người tiêu dùng toàn cầu đang chịu ảnh hưởng nặng nề do đại dịch COVID-19.

GDP Nhật sụt giảm hai quý liên tiếp

Tuy đạt được tiến triển trong nỗ lực chống COVID-19, giới quan sát cho rằng các nhà hoạch định chính sách Nhật Bản sẽ còn đau đầu trong nhiều tháng tới khi cố gắng mở cửa trở lại. Theo Reuters, kinh tế Nhật sụt giảm đáng kể trong quý thứ hai liên tiếp với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế trong quý đầu năm 2020 giảm 3,4% so với quý trước đó.

Các số liệu mới cho thấy tiêu dùng tư nhân, vốn chiếm hơn một nửa nền kinh tế trị giá trên 5 ngàn tỉ USD của Nhật Bản, đã giảm 0,7% do các hộ gia đình chịu ảnh hưởng kép từ đợt tăng thuế tiêu dùng năm ngoái và dịch COVID-19. Tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 3 tăng lên 2,5% (mức cao nhất trong vòng một năm) trong khi tỷ lệ việc làm có sẵn giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 3 năm rưỡi qua.

Trước đó, với kết quả tăng trưởng âm 7,3% trong quý 4-2019, Nhật Bản đã chính thức rơi vào tình trạng suy thoái kỹ thuật. Đây là lần đầu tiên kinh tế Nhật Bản trượt đà kể từ cuộc khủng hoảng vào nửa cuối năm 2015 và là lần suy thoái nặng nề nhất sau Thế chiến thứ hai.

Nhu cầu tiêu dùng của Nhật Bản giảm mạnh khi người dân ở nhà tránh dịch. Ảnh: Reuters

Theo nhà kinh tế trưởng Yuichi Kodama tại Viện nghiên cứu Meiji Yasuda, đại dịch COVID-19 kéo dài gây xáo trộn nghiêm trọng chuỗi cung ứng và doanh nghiệp, đặc biệt với những nước phụ thuộc vào thương mại như Nhật Bản. Ngược lại, tờ Financial Times cho rằng kinh tế Nhật vốn đã gặp rắc rối trước khi đại dịch bùng phát, một phần do thuế tiêu dùng tăng cao và sự tàn phá của siêu bão Hagibis. Lĩnh vực xuất khẩu của nước này đã giảm đều đặn từ năm ngoái khi nhu cầu toàn cầu chậm lại và ảnh hưởng tiêu cực từ cuộc chiến thương mại Mỹ -Trung Quốc. Tình hình tiếp tục xấu đi trong năm nay khi Tokyo bị buộc phải thực hiện giãn cách xã hội và ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia từ đầu tháng 4 để ngăn đại dịch lây lan.

Trước những mối nguy suy giảm hiện hữu, Thủ tướng Shinzo Abe cho công bố gói kích thích kinh tế kỷ lục trị giá 1,1 ngàn tỉ USD trong khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản cũng nới lỏng chính sách tiền tệ. Song, các chuyên gia phân tích dự đoán kinh tế Nhật Bản trong quý 2-2020 tiếp tục co lại 22% so với cùng kỳ năm ngoái.

Mỹ trước nguy cơ  giảm 20-30% GDP

HÀN QUỐC. Số lao động thất nghiệp từ tháng 1-4/2020 ở nước này là 2.076.000 người, mức cao nhất kể từ thời điểm bắt đầu thống kê số liệu liên quan (năm 2000).

THÁI LAN. GDP trong quý I giảm 1,8% và đây là mức giảm mạnh nhất trong 8 năm. Nguyên nhân chủ yếu là do  COVID-19 tác động mạnh đến du lịch và hoạt động kinh tế nội địa.

EU. Ủy viên Liên minh châu Âu (EU) về cạnh tranh Margrethe Vestager bày tỏ quan ngại về “những khác biệt lớn” trong chính sách hỗ trợ đại dịch COVID-19 của các nước thành viên, cho rằng những khác biệt này bắt đầu làm biến dạng thị trường chung của khối.  

Cảnh báo được Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell đưa ra khi hàng ngàn doanh nghiệp trong nước phải đóng cửa và hàng chục triệu người bị sa thải do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ dự kiến tăng vọt lên 25% - mức báo động kể từ thời kỳ Đại suy thoái những năm đầu thập niên 1930.

Cách đây vài ngày, Chủ tịch Powell khiến giới tài chính Phố Wall và Washington “rung chuyển” khi kêu gọi quốc hội xem xét một đợt kích thích tài khóa mới để ngăn chặn thiệt hại về lâu dài, sau khi đã triển khai các gói hỗ trợ hơn 3 ngàn tỉ USD. Tuy vậy, người đứng đầu FED cũng tin tưởng Mỹ sẽ phục hồi nhanh hơn so với thời kỳ Đại suy thoái khi khẳng định kinh tế nước này vốn khỏe mạnh trước khi đại dịch bùng phát. Đây cũng là lý do ông Powell dự đoán nền kinh tế qui mô hơn 21 ngàn tỉ USD có thể bắt lại đà tăng trưởng trong nửa cuối năm nay, nhưng sẽ phải chờ đến cuối năm 2021 để khôi phục hoàn toàn. Theo Chủ tịch Powell, đó sẽ là tiến trình đầy thách thức bởi nó phụ thuộc vào việc người dân cảm thấy an toàn và điều này có thể phải chờ đến khi có được vaccine chống COVID-19.

MAI QUYÊN (Theo Reuters)

Chia sẻ bài viết