13/10/2018 - 18:08

Kiểm soát quyền lực- việc cần làm ngay 

Bài cuối: Để quyền lực được kiểm soát chặt chẽ

Những vụ việc sai phạm xảy ra thời gian qua trên địa bàn TP Cần Thơ cho thấy vẫn còn nhiều vấn đề trong sử dụng quyền lực. Điều này đòi hỏi vấn đề kiểm soát quyền lực phải được thành phố tập trung quyết liệt hơn nữa và phải làm một cách chặt chẽ, bằng nhiều biện pháp, nhằm ngăn chặn sự lạm quyền, tha hóa trong sử dụng quyền lực.  

Phát huy vai trò của nhân dân

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói “mắt dân như mắt khóm”, dân có thể giám sát tất cả việc làm, hành động của cán bộ. Do đó, để kiểm soát được việc sử dụng quyền lực của cán bộ thì phải phát huy được quyền làm chủ của dân. Từ trước đến nay, chủ trương, pháp luật của ta luôn có quy định người dân được quyền góp ý xây dựng chính quyền thông qua kênh của hội, đoàn thể, Mặt trận Tổ quốc và thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri. Trong Bộ chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh của Việt Nam cũng đưa ra nhiều chỉ số, trong đó có 2 chỉ số ở lĩnh vực “Sự tham gia của người dân” và “Trách nhiệm giải trình” để đánh giá khả năng quản trị địa phương. Tuy nhiên, chỉ số ở 2 lĩnh vực này năm 2017, Cần Thơ đều bị giảm điểm.

Cán bộ, công chức, viên chức phải luôn trui rèn đạo đức công vụ để hoàn thiện mình. Trong ảnh: Các đại biểu dự Hội nghị chuyên đề giải pháp giáo dục đạo đức công vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức góp phần phòng chống tham nhũng.

Để vai trò kiểm soát quyền lực của người dân được phát huy, theo ý kiến của nhiều cán bộ lão thành và trí thức, thì mọi trách nhiệm, quyền hạn của cán bộ phải được công khai cho dân biết. Việc dân được làm chủ những gì, ở đâu, mức độ như thế nào, cần phải được làm rõ, quy định cụ thể… Trong quy định về Luật Tiếp cận thông tin cũng đã quy định những vấn đề người dân được quyền tiếp cận. Ngành chức năng phải tạo điều kiện để người dân thực hiện các quyền của mình. Có như vậy, người dân mới có thể giám sát được các hoạt động của cơ quan công quyền.  

  Bí thư kiêm Chủ tịch UBND phường An Cư, quận Ninh Kiều Nguyễn Ngọc Tấn cho rằng để kiểm soát quyền lực, lãnh đạo tăng cường đi cơ sở, lắng nghe dân là biết cán bộ cấp dưới có làm hết chức năng, nhiệm vụ của mình hay chưa. Đồng thời, chính quyền địa phương phải công khai, minh bạch mọi hoạt động để người dân giám sát, đóng góp ý kiến. Cách làm của phường An Cư là phân công một số cán bộ thường xuyên gặp gỡ các cán bộ lão thành trên địa bàn phường thăm dò ý kiến, nắm thông tin dư luận để có hướng điều chỉnh các nhiệm vụ đề ra cho phù hợp tình hình địa phương.

Nâng cao trình độ, đạo đức công vụ

Nhấn mạnh công tác cán bộ là “cái gốc” của sự nghiệp cách mạng (theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh), đồng chí Phạm Minh Phúc, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy, cho rằng: Các cấp, các ngành cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác cán bộ từ các bước quy trình, luân chuyển, điều động, đề bạt, bố trí, giới thiệu cán bộ ứng cử. Đồng thời, kiểm tra, giám sát đối với cán bộ đảng viên, nhất là người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị trong việc chấp hành và thực hiện các nghị quyết, kết luận của cấp ủy cấp trên và thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao. Đặc biệt là tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc nêu gương của cán bộ, đảng viên; việc khắc phục, sửa chữa các hạn chế, khuyết điểm đã được chỉ ra sau kiểm điểm theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI  và việc cam kết thực hiện theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, gắn với thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức,  phong cách Hồ Chí Minh.

Bên cạnh đó, để quyền lực phát huy hiệu quả, bản thân người được giao quyền phải có năng lực, có tâm, phải đặt lợi ích của người dân lên trên. Ông Lê Đắc Cảnh, Phó Chánh Thanh tra thành phố, nêu quan điểm: Thanh tra, kiểm tra là công cụ đắc lực trong kiểm soát quyền lực. Do đó, cán bộ làm công tác này phải có kỹ năng, trình độ, chuyên sâu về chuyên môn, nếu không rất khó phát hiện những sai phạm do cố ý. Muốn vậy, cán bộ thanh tra cần được đào tạo, tập huấn thường xuyên với nhiều chuyên đề khác nhau. Bên cạnh đó, người làm công tác thanh tra phải công tâm, trung thực, khách quan và có bản lĩnh, có phẩm chất đạo đức tốt thì mới có thể thực hiện tốt nhiệm vụ, mới phát huy được vai trò của thanh tra trong kiểm soát quyền lực.

 Một vấn đề quan trọng để có thể kiểm soát việc thực thi chức trách, nhiệm vụ của cán bộ, người đứng đầu là cần làm tốt, thực chất việc tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt chi bộ. Ông Nguyễn Xuân Linh, Bí thư Chi bộ khu vực 7, phường Bình Thủy, quận Bình Thủy, cho biết: “Thời tôi đi bộ đội, mỗi lần sinh hoạt chi bộ, các đồng chí trong chi bộ góp ý cho nhau rất thẳng thắn. Có những lúc phê bình, tranh luận gay gắt, nhưng sau cuộc họp thì tình đồng chí, đồng đội vẫn vui vẻ. Do đó, quan trọng nhất hiện nay là vực dậy tính chiến đấu trong mỗi đảng viên”.

Cần cơ chế cụ thể, rõ ràng

Đồng chí Phạm Văn Hiểu, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố, cho rằng cơ chế chính sách, các văn bản của Đảng và Nhà nước đã tương đối đầy đủ để thực hiện kiểm soát quyền lực. Vấn đề còn lại là thực hiện như thế nào. Để thực hiện tốt việc kiểm soát quyền lực, từng cơ quan, đơn vị, địa phương xây dựng quy chế và thực hiện tốt quy chế của mình; đẩy mạnh phát huy dân chủ thật sự; nâng cao chất lượng công tác tự phê bình và phê bình. Bên cạnh đó, cán bộ đảng viên phải thực hiện tốt vai trò nêu gương, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý. Ngoài ra, khi ban hành chủ trương, chính sách, phải xây dựng kênh lấy ý kiến đóng góp của các tầng lớp nhân dân thông qua Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, nhằm tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân trước khi ban hành.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phan Trung Hiền, Phó Trưởng Khoa Luật Trường Đại học Cần Thơ, cơ chế hiện nay là 3 cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp có sự phân công, phối hợp, kiểm soát lẫn nhau. Quốc hội có quyền giám sát tối cao đối với 3 cơ quan này. Tuy nhiên, công việc của Quốc hội khá nhiều, trong khi không có một cơ quan độc lập kiểm soát thì rất khó để thực hiện quyền giám sát này. Bên cạnh đó, để kiểm soát quyền lực thì vai trò của nhân dân trong giám sát là quan trọng cũng chưa được quy định cụ thể, rõ ràng mà được quy định rất chung trong Hiến pháp. Hiện nay, Luật Tiếp cận thông tin có hiệu lực để người dân có thể phát huy được quyền giám sát của mình. Tuy nhiên, trong luật cũng chưa quy định chế tài đối với cơ quan không cung cấp thông tin cho người dân và trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị đó. Cần có một cơ chế hoàn chỉnh hơn để người dân phát huy hết các quyền làm chủ của mình trong việc giám sát việc thực thi quyền lực của các cơ quan nhà nước.

Đồng chí Nguyễn Xuân Hải, Trưởng Ban Nội chính Thành ủy, cho rằng Đảng và Nhà nước ban hành nhiều quy định liên quan đến kiểm soát quyền lực nhưng để có một văn bản thống nhất, chính thống quy định rõ ràng về cách làm, cơ quan có quyền kiểm soát… thì chưa có. Do đó, việc ban hành một văn bản mới, chính thống, hoàn chỉnh của Đảng về kiểm soát quyền lực,  sẽ thuận lợi hơn trong thực hiện.

Cùng quan điểm này, đồng chí Phạm Minh Phúc, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy cho rằng Trung ương cần hoàn thiện và đồng nhất giữa các bộ luật, luật, cơ chế chính sách thích ứng với quá trình hội nhập quốc tế, sớm ban hành cơ chế kiểm soát quyền lực, nhất là kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ.

Đồng chí Phạm Thanh Vận, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, cho rằng: Hiện nay, đã có chủ trương, quy định về kiểm soát quyền lực, nhưng chưa đủ. Những quy định đã có thực chất cũng chưa được thực hiện nghiêm. Muốn kiểm soát quyền lực thì phải xem quyền lực nhà nước được Đảng giao cho ai là người đại diện, lựa chọn con người nắm giữ quyền lực phải cho đúng. Bên cạnh đó, việc tổ chức lại bộ máy phải gắn liền với chức năng, nhiệm vụ rõ ràng, không được chồng chéo vì quyền lực mà phân tán nhiều nơi, nhiều chỗ thì rất khó quản lý. Quan trọng nhất là phải cụ thể hóa cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ phù hợp với điều kiện cơ chế thị trường, hội nhập... Trong đó, nhân dân làm chủ đến mức độ nào, làm chủ những gì, ở đâu. “Tới nay, theo tôi cơ chế này còn hết sức lúng túng. Nếu ta làm tốt 3 vấn đề này thì sẽ ngăn chặn được việc lạm quyền, tha hóa trong sử dụng quyền lực”- đồng chí Phạm Thanh Vận nhấn mạnh.

Quy định số 14-QĐ/TU ngày 7-11-2017 của Ban Thường vụ Thành ủy về trách nhiệm nêu gương quy định cấp ủy viên, cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; làm việc có nguyên tắc, kỷ cương, có lý, có tình, công tâm, nắm chắc vấn đề, không lạm dụng chức vụ, quyền hạn trong giải quyết công việc...

Sơn Hà

Chia sẻ bài viết