30/05/2021 - 12:07

Khuyến cáo mới giúp ngăn ngừa đột quỵ tái phát 

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm trên thế giới có khoảng 16 triệu người bị tai biến mạch máu não hay đột quỵ, với tỷ lệ tử vong từ 10-20% và tỷ lệ tái phát trong vòng 5 năm là 25%. Hiệp hội Tim mạch Mỹ (AHA) và Hiệp hội Ðột quỵ Mỹ (ASA) vừa đưa ra các hướng dẫn mới giúp người bệnh phòng ngừa đột quỵ tái phát.

Tập thể dục giúp bệnh nhân đột quỵ phòng ngừa nguy cơ tái phát.

AHA và ASA khuyến nghị bước đầu tiên để giảm nguy cơ đột quỵ lần thứ hai là nhanh chóng xác định nguyên nhân dẫn đến cơn đột quỵ đầu tiên và hoàn thành các xét nghiệm chẩn đoán trong vòng 48 giờ kể từ khi các triệu chứng đột quỵ bắt đầu, tiến hành chụp CT hoặc MRI não để đánh giá mức độ tổn thương. Bên cạnh đó, bệnh nhân cần được tầm soát và điều trị chứng rung nhĩ (AFib) - nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến đột quỵ và tái phát - theo Tiến sĩ khoa tim mạch Andrew Freeman.

Ðối với những người đã bị đột quỵ hoặc gặp cơn thiếu máu não thoáng qua (TIA, còn gọi là đột quỵ nhẹ), các hướng dẫn phòng ngừa đề nghị kiểm soát các yếu tố nguy cơ như huyết áp cao, tiểu đường tuýp 2, mức cholesterol và triglyceride, hạn chế đồ uống có cồn và đặc biệt là tránh xa thuốc lá - yếu tố nguy cơ lớn nhất đe dọa sức khỏe tim mạch sau đột quỵ.

AHA và ASA cũng khuyến cáo những người sống sót sau đột quỵ nên hạn chế ăn mặn và tuân theo chế độ ăn Ðịa Trung Hải (cá, rau củ, trái cây và quả hạt khô, ngũ cốc nguyên hạt, dầu ô liu). Những người có thể chất tốt nên tham gia hoạt động bổ trợ sức khỏe tim mạch cường độ trung bình ít nhất 10 phút, 4 lần/tuần hoặc cường độ cao ít nhất 20 phút, 2 lần/tuần. Ngoài ra, các chuyên gia cũng đưa ra 5 thay đổi quan trọng về lối sống bệnh nhân cần thực hiện để giảm nguy cơ tái phát đột quỵ:

Tập thể dục hàng ngày. Hãy đặt mục tiêu đi bộ 30 phút hoặc hoạt động tương tự mỗi ngày, với sự tư vấn của bác sĩ tim mạch. Mục đích của tập thể dục là để cải thiện chức năng hô hấp và mạch máu. Lưu ý, tập thể dục là để khỏe hơn, nên đừng quá gắng sức đến mức bị khó thở.

Chế độ ăn dựa trên thực vật. Người từng bị đột quỵ hoặc TIA nên áp dụng chế độ ăn ít chất béo, thực phẩm toàn phần (không qua nhiều công đoạn chế biến) và nhiều rau củ quả. Chế độ ăn này đã được chứng minh là có thể ngăn chặn sự tiến triển của bệnh mạch vành và bệnh mạch máu, đồng thời có thể giúp duy trì cân nặng vừa phải.

Kiểm soát stress. Căng thẳng tinh thần có tác động lớn đến huyết áp và điều quan trọng là phải kiểm soát được cả hai.

Sự kết nối. Dữ liệu từ các nghiên cứu đáng tin cậy chỉ ra rằng duy trì sự kết nối với gia đình và bạn bè giúp cải thiện đáng kể sức khỏe tim mạch.

Ngủ có chất lượng. Ngủ ít nhất 7 tiếng mỗi đêm là nền tảng để cải thiện kết quả tổng thể về tim mạch và mạch máu não. Giấc ngủ chất lượng (ngủ ngon, thẳng giấc) còn giúp tinh thần sảng khoái, giảm stress và tốt cho não bộ.

Theo Tiến sĩ Freeman, ngoài sự phối hợp chăm sóc của bác sĩ thần kinh và bác sĩ tim mạch, người bệnh cũng cần có quyết tâm cải thiện lối sống để đề phòng cơn đột quỵ thứ hai, thường nghiêm trọng và để lại di chứng nặng nề hơn cơn đột quỵ lần đầu. Ðây được xem là biện pháp vô cùng hiệu quả để giảm thiểu chi phí và tác dụng phụ của tai biến mạch máu não, đồng thời cải thiện sức khỏe tổng thể về lâu dài.

HOÀNG ÐIỂU (Theo Healthline, Medscape)

Chia sẻ bài viết