03/09/2022 - 19:22

Khủng hoảng việc làm tại Trung Quốc 

Trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại và nhiều doanh nghiệp mạnh tay cắt giảm nhân sự, cơ hội tìm được việc làm đối với người lao động nước này đang trở nên u ám hơn bao giờ hết, đặc biệt là đối với giới trẻ.

Một hội chợ việc làm tại Bắc Kinh hồi cuối tháng 8-2022.

Một hội chợ việc làm tại Bắc Kinh hồi cuối tháng 8-2022.

Dù đã lường trước cuộc cạnh tranh, nhưng Yu Mingyue - một sinh viên tốt nghiệp ngành truyền thông ở Bắc Kinh - cho biết đã trải qua tận 300 ngày cố gắng tìm việc làm, một trải nghiệm thực sự ngoài dự tính đối với cô gái 25 tuổi. Theo Hãng tin Bloomberg, việc Chính phủ Trung Quốc tăng cường kiểm soát hoạt động của các hãng công nghệ đã làm leo thang cuộc khủng hoảng việc làm trong giới trẻ nước này.

Nhiều tập đoàn công nghệ lớn trong năm nay bắt đầu sa thải hàng ngàn người. Như từ tháng 4 đến tháng 6 năm nay, Alibaba và Tencent - hai “gã khổng lồ” thống trị nền kinh tế kỹ thuật số ở Trung Quốc - đã sa thải hơn 14.000 nhân viên, chiếm 40% số lượng nhân sự bị cắt giảm trên toàn khu vực công nghệ. 

Số liệu của Tổng cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho thấy, tỷ lệ thất nghiệp ở người trẻ đã tăng từ 15,3% hồi tháng 1 lên 19,9% vào tháng 7 - nghĩa là cứ 5 thanh niên thì có 1 người không có việc làm. Đây là tỷ lệ cao nhất kể từ khi Bắc Kinh bắt đầu công bố số liệu thất nghiệp của thanh niên vào tháng 1-2018. Cuộc cạnh tranh tìm việc ngày càng gay gắt giữa những người từ 16-24 tuổi diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ hai thế giới chỉ tăng trưởng 0,4% trong quý 2 năm nay.

Việc có thêm gần 11 triệu sinh viên tốt nghiệp đại học tham gia thị trường việc làm vốn hạn hẹp được cho là sẽ đẩy tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt hơn nữa. Dữ liệu cho thấy người trẻ Trung Quốc thất nghiệp nhiều hơn giới trẻ tại nhiều nền kinh tế lớn khác. Như trong tháng 6, tỷ lệ thất nghiệp ở người trẻ cùng nhóm tuổi  tại Mỹ là 8,1%, châu Âu là 13,3% và ở Nhật là 3,8%.

Tình trạng cạnh tranh gay gắt hơn và việc sa thải hàng loạt tại các công ty tư nhân đã làm tăng thêm khó khăn trên thị trường việc làm. Các ngành thường thu hút một lượng lớn sinh viên mới tốt nghiệp - bao gồm các công ty Internet, ngành tài chính, lĩnh vực bất động sản và dạy thêm - đều phải vật lộn trong bối cảnh việc phong tỏa để phòng chống COVID-19 vẫn diễn ra trên diện rộng. Mới đây, Alibaba đã lần đầu tiên báo cáo doanh thu hằng quý hầu như không tăng trưởng, Tencent thậm chí ghi nhận quý đầu tiên bị giảm doanh thu. Tương tự, JD.com cho biết có doanh thu yếu nhất trong lịch sử thành lập đến nay. Còn hãng xe điện Xpeng công bố khoản lỗ nhiều hơn dự báo trước đó.

Zhao Yuting, 22 tuổi, cho biết các công ty chỉ đang miễn cưỡng tuyển dụng mới trong bối cảnh nền kinh tế ảm đạm như hiện nay, trong khi người lao động có kinh nghiệm đang cạnh tranh tìm việc quyết liệt với sinh viên vừa ra trường như cô. Kể từ khi tốt nghiệp, Zhao đã nộp hồ sơ tới hàng chục công ty nhưng chỉ một vài nơi gọi phỏng vấn, và rồi bị loại vì thiếu kinh nghiệm. “Tôi đã cố tìm việc trong 2-3 tháng, nhưng khả năng được tuyển rất mong manh” - Zhao kể.

Trước đó, Bộ Nhân lực và An sinh Xã hội Trung Quốc cho biết các khoản chi trả cho bảo hiểm thất nghiệp hồi tháng 6 đã tăng lên 37,2 tỉ NDT (5,45 tỉ USD) - gấp 3,6 lần so với cùng kỳ năm trước và cao nhất kể từ khi dữ liệu hàng tháng bắt đầu được lưu trữ vào năm 2013. 

Để giải quyết cuộc khủng hoảng việc làm, chính quyền trung ương Trung Quốc đang thúc đẩy nhiều kế hoạch, từ khuyến khích sinh viên mới ra trường khởi nghiệp cho đến tăng cường đào tạo nghề và kêu gọi doanh nghiệp nhà nước tuyển dụng thêm người vừa mới ra trường.

NGUYỆT CÁT (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết