11/11/2011 - 09:11

Khủng hoảng nợ ở châu Âu đang vượt tầm kiểm soát

Đó là nhận định của báo Anh Guardian trong bài viết đăng tải ngày 10-11, sau khi tuyên bố từ chức của Thủ tướng Ý Silvio Berlusconi (nếu Quốc hội Ý thông qua dự thảo ngân sách cắt giảm chi tiêu vào giữa tháng 11 tới) đã không trấn an được giới đầu tư tài chính. Theo Guardian, nhiều nguồn tin cho biết Đức và Pháp đã bắt đầu các cuộc đàm phán về khả năng tan rã của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) giữa những lo ngại rằng Ý quá lớn để có thể giải cứu.

Bà Merkel và ông Sarkozy đang tính chuyện tinh gọn Eurozone? Ảnh: Reuters 

Theo các nhà phân tích, mức lãi suất trái phiếu có thể chịu đựng của một nền kinh tế đang ngập trong nợ nần như Ý là 5%. Vậy mà lãi suất trái phiếu của chính phủ nước này ngày 9-11 vừa qua đã vươn lên mức kỷ lục mới là 7,48%. Nền kinh tế lớn thứ ba Eurozone này đang oằn mình với gánh nợ khoảng 1.900 tỉ euro, tương đương 120% GDP, cao hơn tổng số nợ của các nước đã lâm vào khủng hoảng là Ireland, Hy Lạp, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha gộp lại. Từ nay cho đến cuối tháng 11 này, Ý cần có 60 tỉ euro trái phiếu để trả nợ. Còn nếu tính trong vòng 12 tháng tới, nước này phải thanh toán món nợ đáo hạn lên đến 326 tỉ euro. Trong bối cảnh ngân sách chính phủ bị thâm hụt (dù chỉ thuộc dạng thấp nhất châu Âu), Ý đành phải đi vay tiền với mức lãi suất “cắt cổ” và nợ sẽ chồng chất. Mức lãi suất trên 7% của Ý, một trong những nền kinh tế trước nay vẫn được đánh giá là khỏe khoắn và an toàn bậc nhất khu vực, giờ ngang bằng với mức lãi suất của các “con nợ” đã cần phải ứng cứu là Ireland, Hy Lạp và Bồ Đào Nha.

Nhưng “con nợ’ Ý quá lớn để cứu chữa. Nhà phân tích Ben May thuộc tập đoàn nghiên cứu-tư vấn kinh tế vĩ mô độc lập Capital Economics có trụ sở tại Luân Đôn (Anh) cho rằng, Ý phải cần tới 650 tỉ euro cứu trợ để ổn định thị trường tài chính trong 3 năm tới. Nhưng Liên minh châu Âu (EU) không có đủ nguồn lực để đảm đương chuyện này. Quỹ ổn định tài chính châu Âu (EFSF) hiện nay chưa thể huy động được 1.000 tỉ euro như dự kiến cũng nằm ngoài khả năng đó. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) là tổ chức tài chính duy nhất và cuối cùng được kỳ vọng có thể “chữa lửa” cho Ý. Nhưng một mình ECB sao có thể cứu nổi “gã khổng lồ” đang bên bờ vực sụp đổ? Cuộc khủng hoảng tài chính tại châu Âu, đúng hơn là tại Eurozone, rõ ràng đang bước vào giai đoạn mới nguy hiểm và vượt tầm kiểm soát.

Trong tâm trạng lo lắng trước hàng loạt thông tin không tích cực từ chính trường và thị trường châu Âu, các nhà đầu tư chứng khoán tại Mỹ  ngày 9-11 đã bán tháo tài sản, làm cho các loại cổ phiếu chủ lực tại nước này bị mất giá thảm hại nhất từ tháng 9 tới nay.

Chốt phiên giao dịch, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm trung bình 3,2%. Đây là sự sụt giá lớn nhất của loại cổ phiếu chủ lực này trong một ngày kể từ ngày 22-9. Chỉ số tổng hợp Nasdaq Composit thậm chí còn giảm sâu hơn, mất 3,9%, trong khi chỉ số Standard & Poor’s 500 của các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng giảm 3,7%. Cổ phiếu của các công ty tài chính và kinh doanh nguyên vật liệu bị giảm mạnh nhất, trong đó cổ phiếu của J.P. Morgan Chase giảm tới 7,1%, của Bank of America giảm 5,7%, Hewlett-Packard và Alcoa giảm 5,4%. Cổ phiếu của Morgan Stanley mất giá thảm hại tới 9% vì các nhà đầu tư lo ngại khoản tiền 1,79 tỉ USD mà tập đoàn tài chính này đang đầu tư tại Ý.

Thủ tướng Đức Angela Merkel gọi tình thế hiện nay là “không dễ chịu” và kêu gọi các nước thành viên Eurozone đẩy nhanh kế hoạch “hội nhập chính trị gần gũi hơn”. “Bà đầm thép” của nước Đức nói đây là thời điểm phá băng để xây dựng một châu Âu mới. “Bởi thế giới đang thay đổi quá nhiều, chúng ta phải chuẩn bị đối mặt với những thách thức đòi hỏi sự tham gia ngày càng lớn của châu Âu”, bà Merkel nhấn mạnh. Tuy nhiên, để gắn kết chính trị và mở đường cho hội nhập kinh tế chặt chẽ hơn, giới lập pháp và hành pháp ở Đức, Pháp và cả châu Âu đã đề cập khả năng cho một số nước thành viên rút ra khỏi Eurozone để tổ chức này trở nên nhỏ gọn và dễ kiểm soát hơn. Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy hôm 7-11 có phát biểu rằng ông muốn xây dựng “một châu Âu hai tốc độ”, nghĩa là một châu Âu có Eurozone tăng tốc nhanh và EU đi chậm lại vì bất đồng.

Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu José Manuel Barroso lại một lần nữa kêu gọi EU phải đoàn kết, nếu không sẽ bị tan rã trước nguy cơ Ý lâm vào cuộc khủng hoảng nợ công. “Chúng ta đang chứng kiến những sự thay đổi căn bản trong trật tự kinh tế và địa chính trị khiến tôi tin rằng châu Âu hoặc đoàn kết với nhau hoặc bị vỡ từng mảnh”, ông Barroso nói. Thủ tướng Anh David Cameron và phó tướng của mình là Nick Clegg cũng thúc giục các nhà lãnh đạo EU tập trung giải quyết cuộc khủng hoảng tài chính và ngăn chặn nguy cơ suy thoái kinh tế thay vì tìm kiếm sửa đổi Hiến pháp châu Âu. Nhưng nếu điều này cứ tiếp tục diễn ra, ông Nick Clegg cảnh báo sẽ có ít nhất 4 nước châu Âu tổ chức trưng cần ý dân rút khỏi EU.

ĐỨC TRUNG (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết