16/06/2011 - 08:35

Khủng hoảng nợ của Hy Lạp
ngày càng trầm trọng

Các Bộ trưởng Tài chính Đức, Tây Ban Nha và Hy Lạp từ trái qua, tại cuộc họp ở Brussels
hôm 14-6. Ảnh: Reuters

Cuộc họp bất thường bộ trưởng tài chính các nước Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) tại Brussels (Bỉ) ngày 14-6 đã không thu hẹp được sự chia rẽ sâu sắc về việc làm thế nào để khuyến khích các chủ nợ tư nhân của Hy Lạp trợ giúp tài chính cho khoản nợ công khổng lồ lên tới hơn 330 tỉ euro của nước này. Động thái trên có thể khiến Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hoãn quyết định giải ngân khoản viện trợ kế tiếp cho Hy Lạp.

Tại cuộc họp, các bộ trưởng tài chính Eurozone cho biết họ sẽ đảm bảo Hy Lạp không đối mặt nguy cơ bị thiếu hụt tiền mặt trong tháng tới. Theo kế hoạch, Athens sẽ nhận khoản tiền vay kế tiếp 12 tỉ euro trong gói 110 tỉ euro cam kết từ các nước Eurozone và IMF vào cuối tháng 6 này. Tuy nhiên, sự hoài nghi từ IMF về Hy Lạp liệu có đủ khả năng tài chính trang trải sang năm tới hay không đã đe dọa việc giải ngân đó. Theo quy định của IMF, các nước cần phải đảm bảo tài chính cho năm sau trước khi quỹ này có thể phát vay phần kế tiếp trong gói cho vay. Khi Hy Lạp đàm phán về gói giải cứu hồi năm ngoái, các quan chức Liên minh châu Âu (EU) và IMF dự kiến nước này phục hồi việc vay mượn dài hạn từ các nhà đầu tư tư nhân trong năm 2012. Nhưng với lợi tức trái phiếu kỳ hạn 2 năm của Hy Lạp lên tới trên 20%, khả năng đó sẽ khó xảy ra, khiến Hy Lạp có thể hụt tiền nặng nề hơn vào năm tới. Ngày 14-6, Athens cho biết họ đã không đạt mục tiêu giảm thâm hụt ngân sách trong 5 tháng đầu năm 2011, với mức thiếu hụt tiền mặt lên tới 10,28 tỉ euro, so với mục tiêu 9,07 tỉ euro, trong khi thu ngân sách thấp hơn chỉ tiêu 1,94 tỉ euro.

Các quan chức Eurozone cam kết sẽ thảo luận về gói giải cứu tài chính thứ hai cho Hy Lạp, sau gói 110 tỉ euro, tại cuộc họp ở Luxembourg vào đầu tuần tới. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo Eurozone bất đồng sâu sắc, chủ yếu giữa Đức và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), về việc làm thế nào để thu hút các chủ nợ tư nhân đóng góp vào khoản thiếu hụt tài chính của Hy Lạp. Theo đó, trong gói cứu trợ mới ước tính lên tới 90 tỉ euro, Eurozone và IMF sẽ đóng góp 30%; kế hoạch bán tài sản của Chính phủ Hy Lạp thu về được 30% trong tổng số tiền này và 30 tỉ euro còn lại do các nhà tín dụng tư nhân đảm nhận. Đức, với sự ủng hộ của Hà Lan, muốn các ngân hàng, quỹ lương hưu và các công ty bảo hiểm đang nắm giữ nợ của Hy Lạp sẽ đổi trái phiếu của họ với trái phiếu mới có kỳ hạn thanh toán kéo dài 7 năm nữa. Việc làm này sẽ giúp Hy Lạp có thêm thời gian xoay xở, trong khi các nước EU hạn chế khoản tiền viện trợ cho Athens.

Tuy nhiên, các cơ quan tín dụng cảnh báo họ xem biện pháp này là sự ép buộc. Lo ngại kế hoạch của Berlin có thể tạo ra làn sóng hoang mang mới, ECB cùng với Ủy ban châu Âu (EC) và Pháp đã thúc đẩy một giải pháp “mềm” hơn, theo đó các chủ nợ sẽ được khuyến khích mua nợ mới của Hy Lạp khi trái phiếu của họ đến hạn.

Trong khi đó, cuối tuần rồi, hàng chục ngàn người đã xuống đường ở Athens để phản đối các biện pháp “thắt lưng buộc bụng” của chính phủ. Ngày 14-6, hãng xếp hạng tín dụng Standard & Poor’s cũng hạ mức tín dụng của Hy Lạp xuống 3 bậc còn CCC, mức “nguy cơ vỡ nợ cao”.

N. KIỆT (Theo WSJ, Reuters)

Các Bộ trưởng Tài chính Đức, Tây Ban Nha và Hy Lạp từ trái qua, tại cuộc họp ở Brussels hôm 14-6. Ảnh: Reuters

Chia sẻ bài viết