24/11/2016 - 21:26

Khủng hoảng lòng tin

Dù có sự trấn an của nữ Thủ tướng Anh Theresa May và Tổng thống Mỹ Barack Obama, Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg vẫn tỏ ra bi quan về tương lai của các nước thành viên khối quân sự này tại châu Âu nếu Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump cắt giảm viện trợ an ninh cho lục địa già như cảnh báo lúc vận động tranh cử.

Trước mối quan ngại rằng sự ra đi của nước Anh (Brexit) khỏi Liên minh châu Âu (EU) sẽ làm suy yếu vai trò của NATO tại cựu lục địa, ông Stoltenberg đã đến Luân Đôn để thảo luận mối quan hệ của nước Anh trong lòng khối quân sự hai bờ Đại Tây Dương. Đáp lại, Thủ tướng May cam kết rằng nước Anh vẫn tiếp tục đóng vai trò là một "trụ cột" của NATO sau khi Luân Đôn ra khỏi EU dự kiến vào năm 2019. Tuy nhiên, nhân dịp này, ông Tổng Thư ký NATO một lần nữa kêu gọi các quốc gia châu Âu khác theo gương Anh tăng cường ngân sách quốc phòng đáp ứng mức chi 2% GDP để nhận được sự ủng hộ của Tổng thống đắc cử Mỹ.

Hiện ngoài Mỹ, chỉ có 4 nước thành viên EU gồm Anh, Ba Lan, Estonia và Hy Lạp đáp ứng đủ mức chi ngân sách 2% GDP cho quốc phòng. Trong đó, Anh là nước có ngân sách quân sự lớn thứ hai NATO, chỉ sau Mỹ. Cho nên nếu Luân Đôn rời khỏi EU thì các nước thành viên NATO bên ngoài EU sẽ chiếm đến 80% ngân sách quốc phòng của khối, đồng thời 3/4 sư đoàn bộ binh của NATO sẽ được triển khai đến Ba Lan và các quốc gia Baltic vào năm tới sẽ do các đồng minh ngoài EU đảm nhiệm.

Ông Stoltenberg cho rằng việc các nước EU tăng chi tiêu quốc phòng có ý nghĩa quan trọng như là "trái phiếu xuyên bờ Đại Tây Dương" nhằm chia sẻ gánh nặng bảo đảm an ninh một cách công bằng giữa Mỹ và châu Âu. Tuy nhiên, thông điệp này cho thấy ông Stoltenberg không đặt kỳ vọng tuyệt đối vào trách nhiệm an ninh chung của Luân Đôn thời hậu Brexit và nhất là của chính quyền Donald Trump. Ông Trump từng mô tả NATO "đã lỗi thời" vì châu Âu thiếu thốn ngân sách quân sự.

Mới đây, Tổng Thư ký Stoltenberg cho biết ông đã có cuộc điện đàm tích cực với tỉ phú địa ốc Mỹ và "hoàn toàn tin tưởng" vào cam kết của ông Trump đối với cựu lục địa. Tại cuộc họp thượng đỉnh châu Âu-Mỹ ở Berlin (Đức), Tổng thống sắp mãn nhiệm Barack Obama cũng xoa dịu rằng chính quyền mới ở Washington vẫn phải tôn trọng cam kết đảm bảo an ninh cho châu Âu như là lợi ích an ninh của chính mình. Nhưng xem ra, bấy nhiêu đó chưa thể đủ để giải quyết "cuộc khủng hoảng lòng tin" trầm trọng hiện nay trong NATO mà có nhà phân tích đã cho rằng vấn đề của khối này hiện nay là Brexit chứ không phải ông Trump.

KIẾN HÒA (Theo Guardian, CNN, AP)

Chia sẻ bài viết