26/01/2015 - 09:46

Không thể thiếu nhau !

Việc Tổng thống Barack Obama quyết định hủy thăm đền Taj Mahal trong khuôn khổ chuyến công du Ấn Độ để đến Riyadh dự lễ tưởng niệm cố Quốc vương Abdullah và gặp gỡ tân vương Salman bin Abdulaziz vào ngày mai 27-1 cho thấy Arabie Séoudite quan trọng như thế nào đối với Mỹ. Đây cũng là dịp để Tổng thống Obama cải thiện mối quan hệ vốn gặp nhiều sóng gió trong thời gian ông cầm quyền.

Theo Washington Post, hồi cuối thập niên 1980 khi cố Quốc vương Abdullah còn là thái tử, một nhà ngoại giao Mỹ ở Riyadh đã đến gặp ông nhờ vả và nhận được câu trả lời rằng: Một người bạn không giúp anh thì đâu hơn gì một kẻ thù không làm hại anh. Thế nhưng trong nhiệm kỳ của ông Obama, không ít người Arabie Séoudite tự hỏi có phải Mỹ đang trở thành một người bạn vô tích sự.

Chính sách đối với Trung Đông của ông Obama đã khiến cố Quốc vương Abdullah hết sức tức giận. Đó là việc Mỹ không chịu dùng vũ lực lật đổ Tổng thống Syrie Bashar al- Assad xung quanh cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học, thiếu mạnh mẽ trong giải quyết cuộc xung đột Israel - Palestine, không hỗ trợ Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak khi ông bị hạ bệ trong làn sóng mùa xuân A-rập, trong khi lại tìm kiếm khả năng cải thiện quan hệ với Iran- kẻ thù số 1 của Arabie Séoudite. Phản ứng dữ dội nhất của Riyadh đối với Washington có lẽ là việc từ chối nhận ghế ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc hồi tháng 10-2013, với lý do cơ quan này thất bại trong việc giải quyết các cuộc xung đột ở Trung Đông. Và trong khi Mỹ cắt viện trợ cho Ai Cập sau khi quân đội lật đổ Tổng thống dân cử Muhammad Morsi hồi tháng 7-2013 thì Arabie Séoudite lập tức "bù đắp" bằng gói viện trợ nhiều tỉ USD cho Cairo.

Trong gần một năm trở lại đây, quan hệ song phương có phần êm thấm sau chuyến thăm Arabie Séoudite của ông Obama tháng 3 năm ngoái, cũng như cuộc chiến chống kẻ thù chung là nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã kéo hai nước xích lại gần nhau. Washington cần sự giúp đỡ của Riyadh trong cuộc chiến chống các nhóm khủng bố đang mở rộng hoạt động tại phương Tây, và với vai trò nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới, sự ổn định của Arabie Séoudite ảnh hưởng rất nhiều tới kinh tế toàn cầu (việc OPEC do Arabie Séoudite "chủ xị" quyết định không giảm sản lượng khiến giá dầu tuột dốc cũng đang làm lao đao một số đối thủ của Mỹ như Nga, Venezuela).

Trong khi đó, Arabie Séoudite cần sự hiện diện quân sự của Mỹ trong khu vực để bảo vệ các cơ sở hạ tầng dầu mỏ khổng lồ của mình cũng như những tuyến đường biển vận chuyển "vàng đen" trọng yếu. Do vậy, việc Mỹ khai thác dầu đá phiến và quyết tâm xoay trục sang châu Á đang khiến Riyadh lo ngại Washington sẽ bỏ rơi vùng Vịnh. Nhưng điều làm Arabie Séoudite đau đầu nhất hiện nay có lẽ là việc Mỹ bớt đối đầu với Iran sẽ khiến nước này có cơ hội mở rộng ảnh hưởng tại Iraq, Syrie, Liban và Yemen - nước láng giềng phía Nam vừa lọt vào tay phiến quân Houthi được Tehran hậu thuẫn.

Do vậy, dù còn tồn tại những bất đồng nhưng Arabie Séoudite không thể làm căng với Mỹ, bởi vẫn cần nhau trong tình hình quốc tế hiện nay.

QUỐC KHÁNH

Chia sẻ bài viết