11/11/2010 - 09:16

Đọc "Ghế":

Không thể sống chung với tiêu cực

Tập tiểu phẩm báo chí “Ghế” được NXB Chính trị Quốc gia xuất bản. Sách tập hợp 141 tiểu phẩm cùng những bài trao đổi, đối thoại của Nhà báo Hữu Thọ - nguyên Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương, nguyên Tổng Biên tập Báo Nhân Dân - phản ánh những biểu hiện tiêu cực trong xã hội như: mua quan bán chức, luồn cúi, nịnh bợ, phe cánh, hám lợi lộc...

Trong phần “Đôi lời cùng bạn đọc”, nhà báo Hữu Thọ đã giải thích: ghế “Không đơn giản chỉ là chỗ ngồi bình thường mà quan trọng là địa vị xã hội. Từ đó nảy sinh ra nhiều thứ quyền, từ quyền dạy bảo, chỉ huy, đe nẹt, xử phạt tới tiền tài, đất đai, sự ưu ái cho bản thân và cho con cháu họ hàng... cho nên người ta ham ghế, sinh ra nhiều chuyện từ cái ghế” (trang 7). Thông qua các tiểu phẩm, tác giả đã nêu ra thực trạng: “Có bao nhiêu chuyện từ chỗ ham ghế dẫn tới những mưu mô mua chuộc, hãm hại nhau để “tranh ghế, mua ghế”!” (trang 8).

Một người gác cổng cho một cơ quan kể việc thủ trưởng của ông thay đổi “như chong chóng”. Mới được cử về cơ quan làm thủ trưởng, ông ta có thái độ rất cởi mở với những người xung quanh, nhưng sau đó, thủ trưởng tỏ rõ vẻ hách dịch. Gần đây, ông lại điềm đạm, “lễ phép” với tất cả mọi người. Thì ra là sắp đến dịp bầu cử, phân công, bổ nhiệm cán bộ nên ông ta thay đổi thái độ để lấy lòng mọi người (“Tâm sự ông gác cổng”). Trong tiểu phẩm “Ngạc nhiên chưa!”: hai cựu chiến binh cùng sống chết nơi chiến trường Khe Sanh ác liệt trong chiến tranh. Thời bình, hai ông cùng làm chung trong cơ quan, tình bạn keo sơn gắn bó đến nỗi ai cũng trầm trồ khen ngợi. Nhưng bất ngờ họ lại “kình” nhau, nói xấu, vạch khuyết điểm của nhau ra, bởi xếp gần về hưu, hai “chiến hữu” đã bất chấp thủ đoạn nhảy xổ vào nhau...

Khía cạnh khác: có người khi đã được “ghế” rồi thì lại sống sa đọa, đánh mất bản chất và tư cách cán bộ. Một người lính dũng cảm trong thời chiến được đồng đội yêu mến. Thời bình, ông ta thay đổi từ vẻ ngoài: xe hơi, âu phục, kính đen... đến thay đổi cả tính cách: gặp đồng chí, đồng đội ông làm ngơ, nói năng hách dịch, sống trác táng. Bị cách chức vì tham ô, chiếm tài sản công, ông lại khoác trên mình bộ đồ lính ngày nào, lôi đầy huân, huy chương ra đeo lên ngực, kêu gọi nơi mọi người tình đồng chí, đồng đội năm xưa. Nhưng: “Tình chiến hữu cùng chiến hào là rất thiêng liêng nhưng làm sao có thể cứu được con người mắc tội với nhân dân”. Tác giả đã nhận xét cay đắng: “Các bộ huân chương làm sao che nổi những vết nhơ mà anh ta đã bôi lên quân phục!” (“Làm sao che nổi vết nhơ” - trang 238).

Là một nhà báo nên tác giả Hữu Thọ thể hiện văn phong trong sáng, dễ hiểu; câu văn ngắn, gãy gọn. Từ chất liệu là những sự kiện, câu chuyện nhan nhãn trong xã hội, nhà báo Hữu Thọ đã phác họa nên một mảng màu tối nhưng không mang sự bi quan mà là lời cảnh báo.

Từng vấn đề được tác giả thể hiện và mổ xẻ một cách thâm thúy. Đọc các tiểu phẩm, người đọc không nén được cười, nhưng lại thấy xót xa, đau đáu bởi cái “thế thái nhân tình”.

Đọc “Ghế”, người đọc cảm nhận được nỗi lòng của một nhà báo cách mạng đã gần bước sang tuổi 80 nhưng vẫn bức xúc trước những thói hư tật xấu của cuộc đời, muốn góp tiếng nói để xã hội ngày tốt đẹp hơn. Quan điểm của nhà báo Hữu Thọ rất rõ ràng: “Không thể sống chung với tiêu cực, chỉ có cách sử dụng các biện pháp để diệt trừ, không kể một ai” (“Sống chung và không thể sống chung” - trang 190).

Đăng Huỳnh

Chia sẻ bài viết