07/06/2011 - 09:58

Không thể chủ quan với bệnh tay chân miệng

Những tháng gần đây, tình hình bệnh tay chân miệng một số tỉnh thành như TP Hồ Chí Minh, Quảng Ngãi… diễn biến phức tạp, số bệnh nhân nhập viện ngày càng tăng và số ca tử vong cũng tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Tại thành phố Cần Thơ, thời gian gần đây số ca nhập viện cũng ngày càng tăng, đặc biệt tăng cao từ tháng 5. Thực tế đó cho thấy mọi người không nên chủ quan trước căn bệnh nguy hiểm này…

Theo số liệu thống kê tại Bệnh viện Nhi Đồng TP Cần Thơ, từ đầu năm đến nay, tình hình bệnh nhi mắc bệnh tay chân miệng tăng giảm thất thường và có chiều hướng tăng cao trong khoảng 1 tháng trở lại đây. Nếu như ở tháng 1-2011, tổng số bệnh nhân mắc bệnh tay chân miệng đến khám và điều trị tại bệnh viện là 510 lượt, thì đến tháng 2 giảm còn 354 lượt, tháng 3-2011 giảm còn 287 lượt, tháng 4-2011 là 213 lượt. Riêng trong tháng 5-2011, bệnh viện tiếp nhận đến 412 lượt bệnh nhân đến khám và điều trị. Trong đó, số lượng bệnh nhi phải nhập viện cũng gia tăng. Tính từ đầu năm đến nay, tổng số ca nội trú là 130 ca, tăng 9,24% so với cùng kỳ năm trước.

  Bác sĩ đang khám cho trẻ mắc bệnh tay chân miệng tại Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ.

Điều đáng lo ngại là so với năm 2010 thì năm nay, tuy bệnh mới bắt đầu “vào mùa” nhưng tỷ lệ trẻ mắc bệnh nặng, biến chứng lại cao hơn. Điển hình như trường hợp của bệnh nhi Q.T.A.T. (30 tháng tuổi), nhập viện và điều trị tại bệnh viện đã 9 ngày. Chị N.T.K.T., mẹ của bé cho biết: “Ban đầu bé bị nóng sốt nhẹ, trên tay và chân xuất hiện mẩn đỏ. Càng ngày bé càng sốt cao hơn và sốt kéo dài cả tuần kèm theo dấu hiệu giật mình, chới với”. Bác sĩ Phạm Thị Chinh, Trưởng Khoa Nhiễm - Bệnh viện Nhi Đồng TP Cần Thơ cho biết: “Hiện bệnh tay chân miệng có những biểu hiện phức tạp, với các dấu hiệu như: giật mình, chới với nhiều, run chi, đi loạng choạng, trẻ bị sốt cao và thời gian bị sốt kéo dài hơn”. Theo thông tin từ Bệnh viện Nhi Đồng TP Cần Thơ, trong tháng 5-2011, tại bệnh viện đã có 3 ca có dấu hiệu thần kinh (báo trước của biến chứng thần kinh nặng) với các biểu hiện như giật mình, chới với nhiều, phải chuyển lên các bệnh viện tuyến trên điều trị.

Trước tình hình bệnh tay chân miệng diễn biến phức tạp với những biến chứng nguy hiểm ở một số tỉnh thành, nhiều phụ huynh tại TP Cần Thơ không khỏi lo lắng cho sức khỏe của con em mình. Tuy nhiên, vẫn còn không ít phụ huynh vẫn chủ quan trong việc phòng ngừa, thiếu thông tin về các dấu hiệu của bệnh tay chân miệng. Tại Bệnh viện Nhi Đồng TP Cần Thơ, mặc dù trẻ được đưa đến khám có những biểu hiện bệnh rất rõ ràng, nhưng nhiều phụ huynh vẫn không biết con em mình mắc bệnh tay chân miệng. Chị N.T.N.D. mẹ của bé L.M.K. (2 tuổi) cho biết: “Thấy cháu bị nóng sốt li bì nên gia đình mua thuốc hạ sốt cho cháu uống nhưng không hết. Sau đó, thấy trong miệng, tay, chân... của cháu xuất hiện nhiều mẩn đỏ, gia đình mới đưa cháu đến Bệnh viện Nhi Đồng. Sau khi được bác sĩ khám, chúng tôi mới biết cháu bị mắc bệnh tay chân miệng”. Trong khi đó, cũng có khá nhiều phụ huynh cứ nghĩ con mình bị bệnh ngoài da,... Chị N.T.K.T. chia sẻ: “Ban đầu khi thấy cháu nổi mẩn đỏ, tôi cứ nghĩ cháu bị bệnh rôm sảy. Đến khi được các bác sĩ khám, chẩn đoán tôi mới biết cháu bị mắc bệnh tay chân miệng. Nghe nhiều người nói về sự nguy hiểm của căn bệnh này, tôi cảm thấy rất lo lắng”.

Trẻ bị nổi hồng ban, bóng nước ở tay, chân, miệng - một trong những dấu hiệu nhận biết trẻ mắc bệnh tay chân miệng. 

Để giúp người dân có thêm thông tin về căn bệnh tay chân miệng, bác sĩ Phạm Thị Chinh, Trưởng khoa nhiễm - Bệnh viện Nhi Đồng TP Cần Thơ cho biết: “Bệnh tay chân miệng là một bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi và nhiều nhất là độ tuổi dưới 3 tuổi, do vi-rút đường ruột gây ra. Hai nhóm tác nhân gây bệnh thường gặp là Coxsackievirus A16 và Enterovirus 71. Biểu hiện đặc trưng của bệnh là sốt (có thể sốt nhẹ hoặc sốt cao trên 39o), đau họng và nổi hồng ban, bóng nước ở lòng bàn tay, bàn chân, gối, mông và niêm mạc miệng. Siêu vi trùng gây bệnh rất dễ lây lan qua tay, thức ăn, đồ chơi, dụng cụ ăn uống,... Bệnh lây lan trực tiếp từ người sang người, qua đường tiêu hóa từ dịch tiết mũi họng, nước bọt, các bóng nước hoặc phân của người bệnh.

Hiện nay, bệnh tay chân miệng chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc-xin phòng ngừa. Trước tình hình bệnh tay chân miệng đang có diễn biến phức tạp, để hạn chế lây lan và ngăn ngừa biến chứng viêm não, màng não, các bậc phụ huynh cần lưu ý một số điểm cơ bản sau:
- Cách ly trẻ bệnh với trẻ lành, cho trẻ nghỉ học ngay khi có dấu hiệu bệnh để tránh tình trạng bệnh lây lan trong trường học, nhà trẻ, cộng đồng.
- Vệ sinh trong ăn uống: ăn thức ăn đã nấu chín, uống nước đã đun sôi.
- Vệ sinh tay chân: nhắc nhở trẻ trước khi ăn, sau khi đi đại tiện, sau khi chơi đồ chơi…
- Thường xuyên lau chùi, dọn dẹp nơi ở và khu vui chơi của trẻ. Rửa sạch đồ chơi, vật dụng, sàn nhà bằng dung dịch sát khuẩn.
- Người tiếp xúc với trẻ cần rửa tay sạch sẽ trước và sau khi tiếp xúc với trẻ bệnh, đặc biệt là sau khi thay quần áo, tã lót hoặc tiếp xúc với nước bọt, nước tiểu,… của trẻ.
- Xử lý tốt chất thải, phân, nước, rác, sát trùng nước sinh hoạt…

Bệnh thường phát triển sau 3-7 ngày sau khi tiếp xúc với vi-rút gây bệnh. Biểu hiện sớm nhất của bệnh là mệt mỏi, sốt nhẹ, đau họng, sổ mũi,... Sau đó, xuất hiện các bóng nước ở miệng, tay và chân. Có một số trường hợp không điển hình chỉ có loét miệng hoặc sang thương da rất ít, chỉ là dạng chấm hoặc hồng ban không kèm theo bóng nước. Khi nổi bóng nước ở miệng, trẻ có thể bỏ ăn. Bóng nước này sẽ tự xẹp đi và tự khỏi sau 7 đến 10 ngày. Nhưng nếu bệnh xảy ra do tác nhân Enterovirus 71 gây ra sẽ thường dẫn đến các biến chứng rất nguy hiểm như: viêm não, màng não, viêm cơ tim, phù phổi,... Khi trẻ có biến chứng, nếu không điều trị đúng và kịp thời sẽ có thể dẫn đến tử vong. Vì thế, khi thấy trẻ bị sốt kèm theo có nổi những hồng ban, bóng nước ở tay, chân, miệng thì phụ huynh cần nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện để được khám và điều trị kịp thời. Hiện nay vẫn chưa có vắc-xin phòng bệnh tay chân miệng, chủ yếu là phòng lây lan và phòng nhiễm bệnh nên các bậc phụ huynh cần lưu tâm hơn đến căn bệnh nguy hiểm này”.

Bác sĩ Phạm Thị Chinh cũng khuyến cáo thêm: “đối với những trường hợp bệnh nhẹ, chỉ nổi hồng ban, bóng nước mà không kèm theo sốt và các dấu hiệu khác thì có thể điều trị cho trẻ ở nhà hoặc ở các tuyến y tế cơ sở. Nhưng đối với những trường hợp này thì cách một đến 2 ngày phụ huynh phải đưa trẻ đi tái khám và đặc biệt phải theo dõi sát diễn biến bệnh của trẻ để kịp thời phát hiện các dấu hiệu bệnh nặng, không được tự ý mua thuốc điều trị. Nếu thấy có một trong các triệu chứng như: sốt cao trên 39oC, giật mình nhiều, tay chân run giật, hoảng hốt, chới với, quấy khóc, bứt rứt, co giật, nôn ói, lừ đừ, đi loạng choạng,... thì cần phải nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện”.

HỒNG VÂN

Chia sẻ bài viết