08/01/2023 - 09:08

Khơi thông nguồn lực đầu tư để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế năm mới 

Bài, ảnh: GIA BẢO

Tăng trưởng GDP năm 2022 ước đạt 8,02% (vượt xa mục tiêu 6-6,5% đã đề ra) và cao nhất trong giai đoạn 2021-2022. Cả 3 khu vực kinh tế đều phục hồi và tăng trưởng cao. Ðây là kết quả của những nỗ lực trong điều hành của Chính phủ, sự quyết tâm của các cấp, các ngành và địa phương trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu biến động, khó dự đoán. Năm 2023, các dự báo tăng trưởng kinh tế của các nền kinh tế lớn, các nền kinh tế mới nổi, đang phát triển… sẽ tiếp tục trầm lắng. Ðể đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5% năm 2023 cần khơi thông các nguồn lực nhằm hỗ trợ nền kinh tế.

Doanh nghiệp mong các chính sách hỗ trợ tiếp tục duy trì để có thể vượt qua khó khăn. Trong ảnh: Chế biến cá tra xuất khẩu.

Nền kinh tế phục hồi tích cực

Theo Bộ Kế hoạch và Ðầu tư, tăng trưởng của Việt Nam có sự phục hồi tích cực kể từ đầu năm 2022, tạo đà cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế của cả giai đoạn 2021-2025. Tăng trưởng kinh tế ước đạt 8,02%, nâng quy mô nền kinh tế lên 409 tỉ USD. Cả 3 khu vực kinh tế đều đạt mức tăng trưởng cao hơn kỳ vọng. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,36%, đóng góp 5,11% trong cơ cấu GDP; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,78%, đóng góp 38,24%; khu vực dịch vụ tăng 9,99%, cao nhất trong cả giai đoạn 2011-2022, đóng góp 56,65% GDP. Sự phục hồi kinh tế giữa các vùng, miền và địa phương khá đồng đều. Năm 2022 ghi nhận năm xuất siêu thứ 7 của Việt Nam, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 732,5 tỉ USD; xuất siêu 11,2 tỉ USD. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 11,2%; vốn FDI thực hiện đạt 22,4 tỉ USD, tăng 13,5% so với năm 2021. Năm qua có 208.000 doanh nghiệp mới gia nhập thị trường và quay lại hoạt động, tăng 30,35 và gấp 1,45 lần số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Sau 1 năm triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đã đạt những kết quả tích cực, tạo ra những động lực mới góp phần hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn, thách thức và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Cụ thể, thực hiện và giải ngân các chính sách hỗ trợ thuộc chương trình đạt hơn 78.300 tỉ đồng, chiếm 26% tổng số vốn của chương trình. Trong đó, giải ngân hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động khoảng 3.744 tỉ đồng; giải ngân các chương trình cho vay lãi suất ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội khoảng 16.009 tỉ đồng, hỗ trợ lãi suất 900 tỉ đồng; giải ngân hỗ trợ 2% lãi suất cho các khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã 85 tỉ đồng; giảm thuế VAT, thuế môi trường đối với nhiên liệu bay là 50.173 tỉ đồng… 

Mặc dù năm 2022 trải qua nhiều biến động, nhưng các động lực tăng trưởng kinh tế được phát huy hiệu quả, các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo; kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định; các bộ, ngành và địa phương đã triển khai kịp thời các giải pháp gia hạn, giảm một số loại thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất để gỡ khó cho sản xuất kinh doanh. Kết quả phục hồi và tăng trưởng kinh tế của Việt Nam được các tổ chức quốc tế đánh giá cao. Song, năm 2023 nhiều dự báo cho rằng, lạm phát tiếp tục ở mức cao, xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ, tăng lãi suất kéo dài tại nhiều quốc gia. Kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại, một số quốc gia có dấu hiệu rơi vào suy thoái kinh tế… điều này sẽ tác động mạnh đến nền kinh tế Việt Nam. Trong bối cảnh khó khăn khó đoán định sẽ là thách thức cho điều hành kinh tế vĩ mô. 

Triển khai đồng bộ các giải pháp

Tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam lần thứ 5 năm 2022, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới Andrea Coppola nhận định: Trung Quốc, khu vực đồng Euro và Hoa Kỳ đang trải qua thời kỳ suy yếu, làm trầm trọng thêm những “cơn gió ngược” đối với các thị trường mới nổi và nền kinh tế đang phát triển. Tăng trưởng sẽ bị ảnh hưởng bởi điều kiện tài chính eo hẹp và nhu cầu bên ngoài suy yếu. Với Việt Nam, Chính phủ có một nhiệm vụ rất khó khăn trong điều hành để giảm thiểu tác động từ bên ngoài. Ðể biến thách thức thành cơ hội cần tăng cường hơn nữa năng lực quản trị nền kinh tế và thúc đẩy ổn định kinh tế vĩ mô, đồng thời triển khai các chính sách hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, giảm các tác động từ bên ngoài thì ngoài việc kết hợp chặt chẽ giữa chính sách tài chính và tiền tệ để kiểm soát lạm phát, giảm bớt áp lực tăng lãi suất, tỷ giá, hạn chế tối đa mất giá đồng nội tệ… thì thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công là một trong 3 trụ cột chính nhằm khơi thông các nguồn lực hỗ trợ tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội.

Tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam lần thứ 5, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Ðầu tư - Trần Quốc Phương cho biết, tuy chỉ chiếm khoảng 16-17% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, chiếm 5-6% GDP nhưng vốn đầu tư công đóng vai trò là nguồn vốn “mồi” dẫn dắt và định hướng vốn đầu tư toàn xã hội. Việc đẩy mạnh giải ngân đầu tư công vừa đóng góp trực tiếp vào tiêu thụ nguyên, nhiên vật liệu và hàng hóa, phát triển cơ sở hạ tầng, giảm chi phí lưu thông, nâng cao năng lực, sức cạnh tranh của nền kinh tế… vừa đóng góp vào tăng trưởng kinh tế. Mặt khác gián tiếp đưa tiền vào thị trường để kích thích tổng cung, tổng cầu; tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho người lao động và cải thiện cơ sở hạ tầng, gián tiếp giúp phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, nhất là sau những cú sốc về khủng hoảng, suy thoái, dịch bệnh...

Quốc hội đã thông qua kế hoạch đầu tư công năm 2023 với tổng số vốn trên 700.000 tỉ đồng, tăng khoảng 25% so với năm 2022 và tăng khoảng 260.000 tỉ đồng so với năm 2021. Năm 2023 cũng yêu cầu phải giải ngân toàn bộ số vốn thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy đòi hỏi sự nỗ lực, quyết tâm cao của các cấp, các ngành và địa phương trong triển khai nhiệm vụ, giải pháp thực hiện. Ðồng thời phải giải quyết căn cơ những bất cập, yếu kém nội tại của nền kinh tế; nâng cao năng lực điều hành quản lý nhằm tăng hiệu quả sử dụng vốn, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội.

Mới đây, tại hội nghị Chính phủ với các địa phương tổng kết năm 2022, triển khai kế hoạch, nhiệm vụ năm 2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế -  xã hội năm 2023, với phương châm “Ðoàn kết, kỷ cương; bản lĩnh, linh hoạt; chủ động, sáng tạo; kịp thời, hiệu quả”. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành và các địa phương tăng cường các nhiệm vụ, giải pháp để duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tạo nền tảng nâng cao năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế, góp phần xây dựng nền kinh tế thị trường, hội nhập sâu rộng và thực chất.

Chia sẻ bài viết