06/02/2012 - 21:33

Khôi phục thương hiệu mật ngọt U Minh

Nông dân ở U Minh Thượng (Kiên Giang) nhận được tin “vui như Tết” đó là vừa được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học - Công nghệ) chứng nhận sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể của hai loại đặc sản U Minh Thượng gồm khô cá sặt rằn và mật ong. Những nông dân làm nghề gác kèo ong nơi đây đang chuẩn bị khôi phục lại thương hiệu “Tập đoàn Phong Ngạn gác kèo ong” đã một thời vang danh…

Vang danh một thời Phong Ngạn

Từ trên lô-cốt của BQL Rừng U Minh Thượng (thuộc tiểu khu 1 và 2) nhìn cuối chân trời với bốn bề màu xanh chen lẫn màu trắng bông tràm đã 8 năm tuổi. Trong những cơn gió mát nhẹ hơi se lạnh của những ngày đầu năm mới, mang theo một mùi đặc trưng quanh năm của vùng đất này, đó là thoang thoảng mùi hương tràm. Trên cao nhìn theo hướng tay chỉ của lão nông “vua” gác kèo ong Nguyễn Minh Bảo ở ấp 11 A xã Đông Hưng B huyện An Minh để hình dung về một quá khứ vang danh của Tập đoàn Phong Ngạn đã gắn liền với địa danh U Minh Thượng này. Ông Bảo “khoe” nhờ dùng mật ong thường xuyên nên tuy đã ngoài tuổi 70 nhưng hàng ngày lội vào rừng hàng chục cây số vẫn khỏe như thời trai trẻ theo cha, anh vào Tập đoàn Phong Ngạn gác kèo nuôi ong cách đây hơn nửa thế kỷ.

 Tổ ong mật rừng U Minh. Ảnh tư liệu

Ông Bảo giải thích từ “Phong Ngạn” là do nông dân trong tập đoàn vùng này đặt, với từ “Ngạn” là cây kèo gác ngang để ong đeo bám làm tổ, từ “Phong” là sự phong phú, tập hợp đa dạng của những người làm nghề gác kèo ong. Vào những năm 1945, do việc tự do khai thác tổ ong (người dân địa phương gọi là “đi ăn ong mật”) không thống nhất, tranh giành vị trí gác kèo hay còn gọi là gác kèo cùng chảng với nhau, nhất là khi thu hoạch làm động kèo ong của nhau khiến cho ong bỏ đi và thất thu mật. Vì thế, chính quyền thời đó tập hợp nông dân gác kèo ong lại với nhau thành lập Tập đoàn Phong Ngạn. Nhằm tổ chức và thống nhất với nhau như: qui định thời điểm đi “ăn ong” (thường khoảng 15 ngày đi khai thác một lần), nếu gác kèo chung chảng thì phải khác hướng, đánh số kèo của từng người để tránh trộm mật ong của nhau... Đặc biệt Tập đoàn Phong Ngạn còn được chính quyền giao trách nhiệm bảo vệ rừng và quản lý chất lượng mật ong.

Ông Bảo cho biết, vào thời đó mật ong rẻ như cho không, chỉ có sáp ong (tổ ong) là rất quí vì dùng làm đèn cầy, nên bà con đem đổi lúa để ăn. Khi có Tập đoàn Phong Ngạn, nếu nhà nào có mật ong trong nhà và đem bán vào mùa chưa thu hoạch thì dễ bị phát hiện và xử lý. Đặc biệt là Tập đoàn cấm pha chế, chỉ để nguyên chất mật ong sau khi khai thác và bán ra thị trường, nếu phát hiện vi phạm là bị tịch thu cây kèo ong, ra khỏi rừng và địa phương. Do vậy “thương hiệu” mật ong rừng U Minh ngày ấy càng lan xa ra tận nước ngoài.

Mật ngọt thương hiệu U Minh

Xuất thân trong gia đình nông dân có 7 anh em, lúc còn nhỏ hầu hết anh em ông Bảo theo cha vào rừng U Minh Thượng gác kèo ong để kiếm sống. Đến nay đã ngoài 70 tuổi, nhưng ngày nào ông cũng lặn lội vào rừng chăm sóc ong mật và được nhiều nông dân trẻ theo học nghề và phong ông thành “tổ nghiệp”. Theo ông Bảo, cái khó là kinh nghiệm chọn chảng (vị trí) để gác kèo nuôi ong. Vì chảng là một khoảng trống không gian khoảng 30m2 có địa hình cây cối hợp lý để gác cây kèo cho ong làm tổ như phải đúng hướng gió, bóng râm hợp lý, không quá tối, không quá sáng, có độ che phủ tổ ong vừa phải của cây xanh, độ cao và dốc nghiêng của cây kèo... đặc biệt là cây kèo phải đủ độ bóng và chắc chắn vững chãi không lay động.

“Cách đây gần 10 năm, rừng U Minh Thượng số lượng ong nhiều vô số kể, bất kể mùa nào nếu vào trong rừng cả ngày lẫn đêm đều nghe tiếng “rào, rào”... ong ăn bông (hút mật) như nhà máy xay lúa. Sau năm 2002, do bị cháy rừng, mất trên 1/3 diện tích rừng tràm nguyên sinh nên số lượng bông tràm giảm đáng kể và số lượng ong cũng giảm theo. Vì khai thác ong không có tổ chức nên sau sự cố cháy rừng, Nhà nước cấm tuyệt đối không cho vào gác kèo ong cũng như các công việc khác” - Ông Bảo cho biết.

Theo ông Tiết Trường Hận - Hạt trưởng hạt kiểm lâm liên huyện An Biên và An Minh cho biết, nhờ chủ trương giao đất giao rừng cho dân của Chính phủ, đến nay khu rừng đệm U Minh Thượng (tiểu khu 1 và 2 thuộc vùng đệm) đã phát triển được 2.720 ha rừng tràm trên 8 năm tuổi. Với 280 hộ dân, mỗi hộ trồng 4 - 5ha tràm và tự bảo vệ, mỗi năm được phép khai thác 10 % diện tích tràm, nuôi cá và gác kèo nuôi ong. Trong đó mỗi hộ có khoảng 40 cây kèo ong, mỗi tổ ong khai thác từ 2 -5 lần và thu hoạch từ 4 – 5lít mật, mỗi lít từ 120.000 đồng – 170.000 đồng, thu nhập hàng năm từ 15 – 20 triệu đồng/hộ. Qua đó góp phần cải thiện cuộc sống nông dân cũng như bảo vệ và phát triển rừng.

Tuy nhiên, để cải thiện đời sống nông dân và phát triển rừng theo hướng bền vững, theo ông Bảo thì việc khôi phục và thành lập Tập đoàn Phong Ngạn gác kèo ong là cấp thiết. Ông dẫn chứng, “hiện nay vẫn còn không ít người lén lút vào rừng nguyên sinh (rừng lõi) để gác kèo ong mà lực lượng bảo vệ rừng khó kiểm soát. Thêm vào đó, vấn nạn mật ong giả và pha trộn kém chất lượng vẫn được buôn bán tự do ở địa phương mà không có ai để quản lý và kiểm tra. Trong khi đó nhiều đối tác nước ngoài muốn đặt mua mật ong nguyên chất của rừng U Minh Thượng với giá cao, nhưng không có ai kiểm tra và bảo chứng”- ông Bảo bức xúc nói.

Được tin Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) vừa chứng nhận sản phẩm mật ong U Minh Thượng mang nhãn hiệu tập thể, ông Bảo “vui như Tết” và ông cho biết: “Đây là điều kiện tốt để sang năm mới chúng tôi - những người làm nghề sẽ thành lập Tập đoàn Phong Ngạn gác kèo ong. Hiện nay chúng tôi đang phối hợp với chính quyền địa phương xây dựng qui chế, nội qui, cơ sở pháp lý... để sớm ra mắt tập đoàn và góp phần đưa thương hiệu mật ong U Minh Thượng đến với bạn bè quốc tế...”. Đó không chỉ là việc làm thiết thực để khôi phục làng nghề truyền thống, xóa đói giảm nghèo, mà còn góp phần bảo vệ vườn quốc gia và quảng bá du lịch rừng U Minh Thượng đến với bạn bè quốc tế một cách thiết thực nhất.

HUY THỊNH

Chia sẻ bài viết