15/01/2025 - 07:41

Nhân rộng mô hình thí điểm sản xuất lúa chất lượng cao, phát thải thấp 

Mô hình thí điểm triển khai Đề án phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao (CLC) và phát thải thấp (PTT) gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030 (gọi tắt là Đề án 1 triệu héc-ta lúa CLC) đã được thực hiện tại 5 tỉnh, thành vùng ĐBSCL từ vụ hè thu và thu đông 2024. Các mô hình đã khẳng định hiệu quả, giúp giảm phát thải khí nhà kính, nông dân nâng cao được hiệu quả sản xuất và tăng lợi nhuận. Trên cơ sở kết quả của mô hình thí điểm, các địa phương vùng ĐBSCL đã và đang tích cực đẩy mạnh nhân rộng mô hình...

Kết quả tích cực

Mô hình thí điểm triển khai Đề án 1 triệu héc-ta lúa CLC đã được triển khai từ vụ hè thu 2024 tại 5 tỉnh, thành gồm Cần Thơ, Sóc Trăng, Trà Vinh, Kiên Giang và Đồng Tháp, với diện tích khoảng 50 ha/mô hình. Hiện lúa tại các mô hình thí điểm trong các vụ lúa hè thu và thu đông 2024 đã được thu hoạch, với năng suất, chất lượng lúa đạt tốt và được doanh nghiệp bao tiêu với giá cao. Các mô hình đã khẳng định mang lại nhiều hiệu quả thiết thực cả về kinh tế và môi trường, giúp giảm được nhiều chi phí đầu vào nhờ áp dụng cơ giới hóa đồng bộ, giảm lượng sử dụng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, tiết kiệm nước tưới thông qua việc áp dụng tưới ướt khô xen kẽ. Nông dân cũng có thêm thu nhập nhờ thu gom ra khỏi đồng ruộng để phục vụ khai thác sử dụng cho nhiều mục đích như trồng nấm rơm, làm thức ăn cho gia súc, làm phân bón hữu cơ. Kết quả, lợi nhuận của nông dân trong các mô hình thí điểm có thể tăng cao từ 12-32,3%, tùy theo đặc thù đất canh tác từng địa phương và vụ lúa.

Thu hoạch lúa tại mô hình thí điểm được thực hiện ở tỉnh Sóc Trăng.

Ông Lê Hữu Toàn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Kiên Giang, cho biết: "Qua 2 vụ lúa (vụ thu đông 2024 và vụ lúa mùa trồng trên đất lúa-tôm)  triển khai mô hình thí điểm tại Kiên Giang, cho thấy hiệu quả rất tốt. Hiện tỉnh đã có lúa thu hoạch tại mô hình thí điểm được thực hiện trong vụ thu đông. Nông dân đạt được lợi nhuận cao hơn 32,3% so với bên ngoài mô hình nhờ sạ thưa, tiết kiệm nước bằng áp dụng tưới ngập khô xen kẽ, cây lúa chắc khỏe, không bị đổ ngã, năng suất, chất lượng đạt cao và bán được giá cao hơn 40% so với bên ngoài".

Trên cơ sở kết quả của mô hình thí điểm trong vụ hè thu và thu đông 2024, các địa phương gồm Cần Thơ, Sóc Trăng, Trà Vinh, Kiên Giang và Đồng Tháp đã nhân rộng mô hình lên 53 mô hình trong vụ đông xuân 2024-2025, với diện tích 3.653ha, được thực hiện từ nhiều nguồn kinh phí khác nhau bao gồm kinh phí từ Trung ương và địa phương. Các địa phương khác tại vùng ĐBSCL như Long An, Tiền Giang, Hậu Giang và An Giang  cũng đã có kế hoạch thực hiện các mô hình thí điểm trong vụ đông xuân 2024-2025 bằng nguồn ngân sách địa phương, với tổng cộng 45 mô hình, diện tích 745,3ha. Cụ thể, TP Cần Thơ thực hiện 6 mô hình, với diện tích 170ha; Sóc Trăng 8 mô hình, với 340ha; Trà Vinh 14 mô hình, với 728ha; Đồng Tháp 16 mô hình, với 2.004ha; Kiên Giang 9 mô hình, với 411ha; Long An 8 mô hình, với 105ha; Hậu Giang 6 mô hình, với 180ha; An Giang 28 mô hình, với 390,3ha; Tiền Giang 3 mô hình, với 70ha…

Nhân rộng mô hình

Tại TP Cần Thơ, Bộ NN&PTNT vừa tổ chức hội nghị triển khai nhân rộng mô hình thí điểm thực hiện Đề án 1 triệu héc-ta lúa CLC ở vùng ĐBSCL. Tại hội nghị này, đại diện ngành NN&PTNT nhiều địa phương vùng ĐBSCL cho biết, các mô hình thí điểm đã khẳng định mang lại nhiều hiệu quả thiết thực và đang được nhân rộng, đồng thời các địa phương cũng tích cực triển khai các nội dung và nhiệm vụ, kế hoạch theo Đề án 1 triệu héc-ta lúa CLC.

Theo ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, Đề án 1 triệu héc-ta lúa CLC không chỉ hướng đến chuyển đổi tư duy và tổ chức lại sản xuất để nâng cao hiệu quả, tăng thu nhập cho nông dân, giúp nông dân gắn bó với cây lúa mà còn góp phần thực hiện các cam kết của Chính phủ nước ta với quốc tế về giảm phát thải. Các địa phương cần quyết tâm nhân rộng mô hình triển khai Đề án và thực hiện tốt các nội dung của Đề án 1 triệu héc-ta lúa CLC. Quan tâm công tác thông tin tuyên truyền và tập huấn, đào tạo để thay đổi tư duy của người sản xuất, nâng cao nhận thức, hành động của các bên liên quan. Thực hiện tốt việc tổ chức sản xuất, liên kết sản xuất theo chuỗi. Cục Trồng trọt phối hợp Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, cùng các bên liên quan cần kịp thời mở các lớp tập huấn cho nông dân và đào tạo, nâng cao năng lực cho các hợp tác xã, các lực lượng tham gia Đề án…

Ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, cho biết: "Ngay từ vụ lúa hè thu và thu đông 2024, Cần Thơ đã triển khai mô hình thí điểm tại huyện Vĩnh Thạnh, với diện tích gần 50ha. Kết quả sản xuất lúa tại mô hình thí điểm trong 2 vụ lúa qua cho thấy, chi phí sản xuất giảm, lượng phát thải giảm, lợi nhuận của nông dân được tăng cao đáng kể. Hiện mô hình tiếp tục được duy trì trong vụ đông xuân 2024-2025. Thành phố cũng nhân rộng mô hình ra các địa phương khác, với tổng diện tích đạt 170ha". Cũng theo ông Nghiêm, lúa trong 6 mô hình được thực hiện tại TP Cần Thơ trong vụ đông xuân 2024-2025 đang phát triển rất tốt, lúa đã hơn 50 ngày tuổi mà nông dân chưa cần phải phun thuốc trừ sâu bệnh lần nào, lúa phát triển rất tốt. Các mô hình đều có doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm cho nông dân.

Cùng với việc mở rộng mô hình thí điểm, các địa phương cũng quan tâm triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm thực hiện tốt Đề án 1 triệu héc-ta lúa CLC. Ông Lê Văn Đông, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Trà Vinh, cho biết: "Bên cạnh nhân rộng diện tích thực hiện mô hình canh tác lúa CLC và PTT, Trà Vinh đã quan tâm thành lập các ban chỉ đạo tại các địa phương và xác định rõ các nhiệm vụ, trách nhiệm của các bên có liên quan. Chú ý phát huy vai trò của các tổ khuyến nông cộng đồng trong việc hỗ trợ nông dân và các hợp tác xã trong thực hiện mô hình…". Theo ông Nguyễn Văn Vũ Minh, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp, tỉnh đã chú ý đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền và người dân trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, thiết kế hệ thống biểu mẫu để thống kê và quản lý các số liệu và chỉ số tại các mô hình trong từng mùa vụ để nông dân thấy và so sánh về hiệu quả so với bên ngoài. Tỉnh cũng quan tâm có các giải pháp, cũng như đề xuất các kiến nghị với các cấp thẩm quyền nhằm tháo gỡ khó khăn cho nông dân trong quá trình áp dụng quy trình canh tác lúa theo Đề án 1 triệu héc-ta lúa CLC, nhất là gỡ khó vấn đề máy móc cơ giới phục vụ gieo sạ lúa còn ít và nông dân còn gặp khó trong phát huy hiệu quả sử dụng rơm trên quy mô lớn khi thu gom rơm khỏi đồng...

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

Chia sẻ bài viết