Những ngày cuối tháng Chạp là thời điểm nhiều hội viên phụ nữ trên địa bàn quận Thốt Nốt tất bật vào vụ làm bánh, mứt, khô các loại… phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân trong dịp Tết Nguyên đán. Không đơn thuần là công việc mưu sinh, niềm vui của các chị chính là được giới thiệu và lan tỏa hương vị quê nhà đến thực khách gần xa.
Chị Nguyễn Thị Mộng Nghi ở khu vực Thới Bình 2, phường Thuận An, quận Thốt Nốt, phơi từng mẻ mứt me để kịp giao khách hàng.
Gian bếp nhà chị Bùi Thị Ánh Tuyết, ở khu vực Thới Bình 2, phường Thuận An, quận Thốt Nốt “ấm” lửa than hồng. Ðôi tay chị thoăn thoắt, những chiếc bánh kẹp giòn, xốp, thơm lừng lần lượt ra lò. Chị Ánh Tuyết chia sẻ: “Nghề này tôi học từ người quen. Ban đầu, tôi chỉ làm bánh để các thành viên trong gia đình thưởng thức. Dần dà về sau, có nhiều người đặt mua nên tôi quyết định làm bánh kẹp bán để có thêm thu nhập. Nghề làm quanh năm nhưng dịp Tết là khoảng thời gian bận rộn hơn cả khi số lượng khách đặt bánh tăng cao”. Bánh kẹp của chị Tuyết làm hoàn toàn bằng các nguyên liệu tự nhiên không sử dụng phẩm màu, hương liệu, chất phụ gia; bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Chị Tuyết kể: “1kg bột gạo, 2kg dừa, đường, mè, đậu phộng và một ít sữa bò sẽ cho ra lò 2kg bánh kẹp thành phẩm. Ðặc biệt, bánh phải được nướng trên bếp than mới giòn và thơm”. Nhờ chất lượng bánh ngon nên ngày càng có nhiều khách hàng biết đến chị. Trung bình, mỗi ngày, chị Tuyết bán từ 10-20kg bánh kẹp; còn dịp Tết, sản lượng bánh tăng gấp đôi với khoảng 40kg bánh thành phẩm/ngày.
Cạnh nhà chị Tuyết, chị Nguyễn Thị Mộng Nghi tranh thủ ngày nắng phơi từng mẻ mứt me để kịp giao cho khách hàng. Chị Mộng Nghi đã có hơn 10 năm làm mứt me, mứt mãng cầu để bán trong dịp Tết. Chị Nghi chia sẻ: “Mỗi năm, khoảng tháng 10 âm lịch, tôi tranh thủ tìm mua nguyên liệu và tiến hành các khâu sơ chế. Mứt me tương đối dễ làm nhưng khá cực vì mất nhiều công đoạn. Ðể làm mứt me, các thành viên trong gia đình tôi phụ giúp nhau, thực hiện nhiều công đoạn, như lột vỏ, tách hạt, xăm trái, sên, phơi nắng... Các khâu sản xuất mứt me đều làm thủ công, không có chất bảo quản”. Theo chị Nghi, hiện nay có nhiều loại mứt công nghiệp, bao bì bắt mắt nhưng nhiều người vẫn chuộng mứt “nhà làm”. Dịp Tết năm này, chị Nghi làm trên 200kg mứt me để bán cho các mối quen với giá 220.000 đồng/kg. Ngoài mứt me, chị Nghi còn nhận làm mứt mãng cầu, bánh kẹp, bánh bông lan theo yêu cầu của thực khách. Nghề làm bánh mứt tuy cực nhưng bù lại có thị trường tiêu thụ khá cao, mang đến cho gia đình chị nguồn thu nhập ổn định.
Tết cũng là thời điểm ăn nên làm ra của bà con làng nghề bánh tráng Thuận Hưng. Ở làng nghề này, bánh tráng được làm quanh năm nhưng mùa cao điểm nhất là vào 2 tháng cận Tết Nguyên đán. Theo chị Huỳnh Thị Pha, Chủ tịch Hội LHPN phường Thuận Hưng, dịp Tết Nguyên đán năm nay, làng nghề có 18 lò sản xuất theo thời vụ Tết, tập trung chủ yếu ở khu vực Tân Phú, Tân An và Tân Thạnh. Trung bình mỗi lò sản xuất từ 4.000-6.000 chiếc bánh/ngày, với giá bán cao hơn ngày thường. Cụ thể, bánh tráng ngọt có giá 200.000-400.000 đồng/100 chiếc, bánh dừa giá 350.000-450.000 đồng/100 chiếc...
Với sự cần mẫn, chăm chỉ, nhiều hội viên phụ nữ trên địa bàn quận Thốt Nốt luôn tìm cách giữ lửa, giữ hương cho Tết thông qua các mô hình kinh doanh nhỏ lẻ, như làm khô cá lóc, cá lau kiếng, trồng hoa kiểng, gói bánh tét... Nhằm giúp hội viên phụ nữ kinh doanh thuận lợi gắn với việc phát triển nghề truyền thống tại địa phương, các cấp Hội LHPN quận luôn quan tâm, hỗ trợ hội viên tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi; tạo điều kiện thuận lợi cho các chị được tham gia các hội thảo, hội chợ để bày bán sản phẩm… Qua đó, không chỉ góp phần quảng bá sản vật địa phương mà còn giúp nhiều hội viên có thêm việc làm, cải thiện thu nhập mỗi độ Tết đến xuân về.
Bài, ảnh: KIẾN QUỐC