03/12/2013 - 22:28

Khôi phục niềm tin cho doanh nghiệp

Mới đây, tại tỉnh Vĩnh Long, trong hội thảo tín dụng ngân hàng thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội vùng ĐBSCL, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cho biết vốn của ngân hàng đang thừa, lãi suất cho vay ở mức thấp, nhưng doanh nghiệp (DN), nông dân vẫn than thiếu vốn. Do đó, cần xem lại quan hệ giữa cung- cầu vốn, vừa đảm bảo dòng vốn lưu thông an toàn, vừa đảm bảo không gia tăng nợ xấu.

Nguồn lực DN suy kiệt nghiêm trọng

Hiện nay, sức khỏe của nhiều DN đã suy kiệt nghiêm trọng, kéo theo tăng trưởng kinh tế chậm, ảnh hưởng đến thu nhập, việc làm của người lao động, an sinh xã hội. Năm 2013 là năm thứ 6 của suy thoái và khủng hoảng kinh tế toàn cầu, sự kéo dài này làm cho DN suy kiệt mọi nguồn lực. Theo ông Đoàn Duy Khương, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), năm 2012 số DN giải thể cả nước tăng cao kỷ lục với gần 54.000 DN; con số DN ngừng hoạt động 2 năm 2011-2012 khoảng hơn 107.000 DN, bằng con số DN ngừng hoạt động của cả 12 năm trước. Riêng tại ĐBSCL, DN chủ yếu hoạt động sản xuất kinh doanh lĩnh vực nông, thủy sản vừa bị tác động bởi khó khăn chung của nền kinh tế trong nước, vừa chịu sự chi phối lớn của thị trường quốc tế. Theo đó, hoạt động sản xuất kinh doanh của DN kém hơn so với kỳ vọng.

Dây chuyền sản xuất bao bì của Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Tân Hưng. Ảnh: MINH HUYỀN

Theo số liệu của Bộ KH&ĐT, toàn vùng ĐBSCL có 119 DN Nhà nước đang hoạt động đóng góp ngân sách 7.312 tỉ đồng và có 43.764 DN ngoài nhà nước đang hoạt động. Từ đầu năm 2013 đến nay, tổng số DN thành lập mới của vùng là 3.607 DN, tăng 59,7% so cùng kỳ. Các địa phương có số DN đăng ký thành lập mới tăng cao là Đồng Tháp với 399 DN tăng 52,5%; Hậu Giang với 239 DN, tăng 81,1%; An Giang với 481 DN tăng 94,7%... Tuy nhiên, số DN thành lập mới đều là DN nhỏ về quy mô hoạt động và vốn đầu tư. Hiện số DN gặp khó khăn, hoạt động không hiệu quả phải dừng sản xuất kinh doanh là 2.496 DN, trong đó 866 DN giải thể và 1.630 DN ngừng hoạt động. Các địa phương có tỷ lệ DN giải thể cao, gồm: Cà Mau 294 DN, Bến Tre 146 DN, Vĩnh Long 114 DN... Các địa phương có số DN ngừng hoạt động cao là TP Cần Thơ 236 DN, tỉnh Đồng Tháp 280 DN, An Giang 197 DN, Long An 159 DN... Còn theo khảo sát của VCCI, trong 6 tháng đầu năm 2013, ĐBSCL có tới 65% DN có mức doanh thu giảm, do thị trường thu hẹp, lượng đặt hàng ít, tồn kho tăng. Mặc dù mặt bằng lãi suất đã hạ xuống như kỳ vọng của DN, nhưng chỉ có 36,84% DN tiếp cận được vốn tín dụng với mức trần lãi suất 15%/năm (theo Thông tư 14/2012/TT-NHNN ngày 4-5-2012), còn lại 63,16% DN cho biết không tiếp cận được vốn vay với lãi suất này. Và trở ngại lớn nhất của DN trong vay vốn là phải chứng minh được năng lực tài chính thông qua kết quả hoạt động của năm gần nhất. "Đây thực sự là trở ngại lớn đối với DN, vì trong bối cảnh này, DN tồn tại đã là tốt, không thể nào có doanh thu và lợi nhuận luôn tăng, mà quy định của ngân hàng là DN phải có lợi nhuận thì mới cho vay"- ông Đoàn Duy Khương, Phó Chủ tịch VCCI nói.

Kết quả khảo sát mới đây của VCCI Cần Thơ về niềm tin của DN vào nền kinh tế đang giảm sút, chỉ có 40% DN cho rằng nền kinh tế sẽ tăng trưởng (kết quả khảo sát năm 2012 đến 50% DN nhận định kinh tế sẽ tăng trưởng); 12% DN cho biết nền kinh tế sẽ giảm sút (năm 2012, con số này chỉ 5,8%). Năm 2013, khảo sát của VCCI Cần Thơ cho thấy: có đến 82,6% DN ĐBSCL có hàng tồn kho (xây dựng, bất động sản, công nghệ chế biến, thương mại,…), đây thực sự là nút thắt khá lớn đối với DN. Thực tế, DN ĐBSCL đa phần hoạt động dựa vào sản phẩm chủ lực của vùng là nông, thủy sản, những DN này luôn bị áp lực về thị trường, nguyên liệu đầu vào và luôn đối mặt với nguy cơ kiện bán phá giá từ các nước nhập khẩu. Mặc dù các DN đều nhận ra vấn đề, nhưng vẫn loay hoay không giải quyết được do quy mô nhỏ, thiếu liên kết, quản trị kém. DN đã khó lại càng khó hơn, không có vốn để kinh doanh, DN luôn đối mặt với sức ép nợ xấu và dẫn đến chi phí vốn vay cao hơn lợi nhuận hoặc lợi nhuận bị lãi vay ăn mòn.

Giúp DN tạo dựng lại niềm tin

Cần có biện pháp để khôi phục lòng tin của DN vào nền kinh tế. Song, một số chuyên gia tài chính, ngân hàng thì cho rằng, thời điểm này không nên kích cầu tín dụng, vì có thể sẽ phản tác dụng, làm cho lạm phát quay trở lại. DN và ngân hàng chưa giải tỏa được khúc mắc trong vấn đề "vốn kinh doanh cho DN" do những khó khăn chung của nền kinh tế và bản thân DN chưa đảm bảo được khả năng hoàn vốn cho ngân hàng. Ngoài khó khăn về vốn thì phần khác do môi trường kinh doanh của vùng chưa thuận lợi, khiến nhiều DN (nhất là DN xuất khẩu gạo, thủy sản, may mặc) rất chật vật khi kinh doanh tại thị trường nội địa. Theo ông Lê Minh Trượng, Giám đốc Công ty Lương thực Sông Hậu (TP Cần Thơ), dù đã kiến nghị Chính phủ, Bộ Tài chính nhiều năm về miễn thuế VAT 5% cho DN khi bán gạo ở thị trường nội địa, nhưng đến nay vẫn chưa được chấp thuận. Cần xem xét cho DN về vấn đề này, bởi đầu ra của DN kinh doanh lương thực không thể chỉ dựa vào xuất khẩu mà còn tổ chức hệ thống kinh doanh gạo nội địa với nhiệm vụ bình ổn giá. Mặt khác, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương cần xem xét hỗ trợ DN xúc tiến thương mại, khai thông thị trường mới, tạo điều kiện cho DN mở rộng và chiếm lĩnh thị trường vững chắc.

Lòng tin của DN vào nền kinh tế đang giảm sút, do nền kinh tế phục hồi chậm, tổng cầu thấp, tồn kho của DN vẫn ở mức cao. Mặc dù DN và ngân hàng đều nỗ lực tìm tiếng nói chung trong vấn đề vay vốn, nhưng vẫn chưa giải tỏa được do nhiều nguyên nhân: DN đủ điều kiện vay vốn thì không muốn vay, có DN cần vay thì không đủ điều kiện do nợ xấu, DN nhỏ và vừa muốn vay vốn nhưng không đủ điều kiện và cũng không dám vay. Các chính sách miễn, giảm, giãn thuế cũng chưa rõ ràng, áp dụng chưa đồng bộ, cán bộ thuế còn nhũng nhiễu DN… DN suy kiệt sẽ kéo theo nền kinh tế suy yếu. Vì vậy, cần xem xét tháo gỡ khó khăn cho DN, giúp DN tin tưởng vào nền kinh tế và các chính sách của Chính phủ. Theo ông Trần Đỗ Liêm, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Tiền Giang, thời gian qua, DN vùng liên tục gặp khó, ngoài yếu kém nội tại của bản thân DN thì chính sách thay đổi nhanh (các chính sách về lãi suất, tài chính, tỷ giá, thuế…) khiến DN khó khăn trong cập nhật. Do đó, ổn định chính sách vĩ mô trong thời gian trung, dài hạn có tính đến biến động thị trường là điều kiện tiên quyết giúp DN bền vững. Có như vậy, DN mới giảm được tổn thương trong hội nhập kinh tế, phát triển DN.

Tiến sĩ Võ Hùng Dũng, Giám đốc VCCI Cần Thơ, kiêm Chủ tịch Hội đồng các Hiệp hội DN ĐBSCL, nhận định: ĐBSCL vẫn chưa theo kịp với hội nhập kinh tế quốc tế do rất nhiều nguyên nhân. Đa phần DN vùng đều có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, năng lực quản trị kém, tiếp cận vốn ngân hàng khó khăn. Thêm vào đó, cơ sở hạ tầng yếu kém, không chỉ cản trở việc hình thành các DN trong lĩnh vực dịch vụ vận tải, giao nhận mà còn làm cho mối liên hệ kết nối các loại hình hoạt động kinh doanh bị gián đoạn, cắt khúc. Chi phí chuyên chở, thực hiện giao nhận hàng hóa cao là trở ngại đối với DN đang hoạt động kinh doanh, làm nản lòng các nhà đầu tư mới muốn bỏ thêm vốn kinh doanh, hoặc thành lập DN mới. Lẽ đó, cần hỗ trợ mạnh mẽ hơn cho DN để vượt qua giai đoạn khó khăn nhất hiện nay. Ông Đoàn Duy Khương, Phó Chủ tịch VCCI, cho rằng, thời điểm này để vượt qua khó khăn, DN cần xác định chiến lược phát triển đúng. DN cần đầu tư xây dựng sản phẩm mang thương hiệu vùng; liên kết từ khâu sản xuất- phân phối- bán hàng và có trách nhiệm với xã hội, môi trường. VCCI sẽ tiếp tục làm cầu nối tập hợp DN, kết nối với các địa phương, hỗ trợ DN ĐBSCL phát triển.

Gia Bảo

 

Chia sẻ bài viết