05/01/2020 - 07:29

Khơi nguồn năng lượng của doanh nghiệp 

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), ước năm 2019, cả nước có khoảng 138.139 doanh nghiệp (DN) thành lập mới, vốn đăng ký trên 1,73 triệu tỉ đồng, thu hút hơn 1,25 triệu lao động làm việc. Số DN hoàn tất thủ tục giải thể 16.840 DN; tạm ngưng hoạt động có thời hạn 28.731 DN. Số DN tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể 43.711 DN. Năm qua, số DN quay trở lại hoạt động là 39.421 DN. Đặc biệt, trong bối cảnh suy giảm chung của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) toàn cầu, Việt Nam vẫn thu hút 38,02 tỉ USD vốn FDI (vốn đăng ký mới, vốn tăng thêm, mua cổ phần, vốn góp), cao nhất trong vòng 10 năm lại đây và tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 2018. Đồng thời vốn FDI giải ngân đạt 20,38 tỉ USD, lập kỷ lục mới, cao nhất từ trước tới nay và là thành quả đáng khích lệ.

DN đến làm thủ tục đăng ký kinh doanh tại Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Cần Thơ.  Ảnh: M.Huyền

Song song đó, lần đầu tiên Việt Nam cán đích xuất nhập khẩu hai chiều đạt trên 500 tỉ USD, cán cân thương mại đạt thặng dư trên 9,9 tỉ USD. Những kết quả này đã góp phần đưa kinh tế Việt Nam vượt mốc tăng trưởng trên 7% trong năm 2019. Cộng đồng DN đã có những đóng góp tích cực nhất, không chỉ giải quyết việc làm cho lao động mà còn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nội địa và tạo uy tín hàng Việt Nam xuất khẩu trên thị trường quốc tế.

Mới đây, tại buổi đối thoại với DN, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh, trong thời đại toàn cầu hóa và đột phá về khoa học công nghệ hiện nay, DN là động lực phát triển kinh tế quan trọng nhất. Bởi khu vực DN là nơi tạo ra giá trị gia tăng chủ yếu cho nền kinh tế, tạo động lực cạnh tranh và sáng tạo. Chính vì vậy, không thể có một quốc gia hùng cường, hưng thịnh nếu không có DN hùng hậu. Thủ tướng yêu cầu các thành viên Chính phủ, lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương lắng nghe ý kiến của DN, từ đó có giải pháp tháo gỡ, phát huy thuận lợi, khắc phục những khó khăn để DN phát triển nhanh và bền vững. Thủ tướng cũng khẳng định, với tinh thần đồng hành cùng DN, kiến tạo phát triển, Chính phủ sẽ không ngừng tìm cách giảm thiểu rủi ro và chi phí cho DN, nhất là những rủi ro từ thể chế chính sách và nhũng nhiễu của bộ máy hành chính gây ra.

DN là nguồn năng lượng để quốc gia phát triển. Song, việc khơi thông nguồn năng lượng này đòi hỏi nhiều yếu tố và cần sự hợp lực của từ trung ương đến địa phương, sự đồng thuận của DN. Chính phủ đã khẳng định vai trò của kinh tế tư nhân là một trong những trụ cột, động lực thúc đẩy kinh tế Việt Nam vươn tầm. Và khu vực kinh tế tư nhân cũng đang chuyển mình, năng động hơn trong nắm bắt các cơ hội thị trường, tận dụng chính sách hỗ trợ từ Trung ương để phát huy nội lực của DN, sáng tạo và tạo ra những giá trị bản địa chắc chắn. Tại cuộc đối thoại với DN, Thủ tướng cũng yêu cầu DN nêu cao tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám đột phá nhưng phải làm đúng quy định của Hiến pháp và pháp luật. Chính phủ sẽ có định hướng cụ thể để tháo gỡ khó khăn cho DN.

Chính phủ kiến tạo, thúc đẩy sự phát triển thông qua tạo môi trường đầu tư thông thoáng, nâng cao năng lực cạnh tranh. DN đã chủ động hơn để hội nhập. Đây là nội lực cộng sinh để tạo nên thời kỳ phát triển mới.

Song Nguyên

Chia sẻ bài viết