08/06/2024 - 13:20

Khởi động mô hình kinh tế nông nghiệp tuần hoàn từ rơm 

Tham quan mô hình “Canh tác lúa chất lượng cao và phát thải thấp” tại huyện Vĩnh Thạnh

(CT) - Ngày 8-6, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ phối hợp Viện nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI) tổ chức Lễ khởi động mô hình kinh tế nông nghiệp tuần hoàn từ rơm và tham quan cánh đồng thí điểm mô hình “canh tác lúa chất lượng cao và phát thải thấp” nhằm triển khai “Đề án phát triển bền vững 1 triệu héc-ta lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030” được thực hiện tại huyện Vĩnh Thạnh.

IRRI bàn giao máy trộn phân hữu cơ tự hành cho Hợp tác xã nông nghiệp và dịch vụ Tiến Thuận tại Vĩnh Thạnh.

Lễ khởi động được tổ chức nhằm tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền và thúc đẩy phát triển, nhân rộng mô hình kinh tế nông nghiệp tuần hoàn, nhất là việc quản lý, khai thác sử dụng tốt nguồn rơm rạ trong sản xuất lúa, tránh việc đốt bỏ rơm rạ trên đồng ruộng. Đồng thời, tạo điều kiện để nông dân tại các quận, huyện trên địa bàn TP Cần Thơ nắm bắt thông tin, tiếp cận các công nghệ, thiết bị, máy móc cơ giới trong thu gom, xử lý rơm rạ để làm phân bón hữu cơ và phục vụ các quá trình sản xuất để nâng cao thu nhập, giảm phát thải. Dịp này, nông dân cũng được tạo điều kiện để tham quan thực tế mô hình “Canh tác lúa chất lượng cao và phát thải thấp”  tại xã Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh.

Nông dân thăm quan mô hình “canh tác lúa chất lượng cao và phát thải thấp” tại huyện Vĩnh Thạnh.

Tại lễ phát động, Viện Nghiên cứu lúa gạo Quốc tế (IRRI) ký kết bàn giao máy trộn phân hữu cơ tự hành cho Hợp tác xã nông nghiệp và dịch vụ Tiến Thuận tại xã Thuận An, huyện Vĩnh Thạnh để giúp nông dân tại HTX thực hiện quy trình xử lý rơm rạ làm phân bón hữu cơ. Việc thu gom rơm rạ từ đồng ruộng (không đốt rơm) để làm phân hữu cơ không những tăng giá trị rơm rạ, mà còn giảm phát thải khí nhà kính so với cày vùi rơm vào ruộng ngập nước. Tuy nhiên, quá trình ủ phân hữu cơ còn gặp nhiều khó khăn do tốn công lao động. Do vậy, với việc được hỗ trợ máy và được IRRI phối hợp ngành Nông nghiệp TP Cần Thơ và các bên có liên quan trong hỗ trợ, tập huấn kỹ thuật, nông dân tại HTX Tiến Thuận nói riêng và nông dân huyện Vĩnh Thạnh nói chung sẽ có điều kiện thuận lợi để khai thác, sử dụng phụ phẩm rơm, rạ để phát triển mô hình kinh tế nông nghiệp tuần hoàn…

Tin, ảnh: KHÁNH TRUNG

Chia sẻ bài viết