13/07/2019 - 11:09

Khởi đầu cuộc chiến công nghệ Pháp- Mỹ? 

Bất chấp sự đe dọa trả đũa của Mỹ, Thượng viện Pháp hôm 11-7 đã thông qua dự luật đánh thuế dịch vụ kỹ thuật số mang tên GAFA (chữ cái đầu của Google, Apple, Facebook và Amazon), qua đó trở thành nền kinh tế lớn đầu tiên áp dụng loại thuế gây tranh cãi này.

Các “ông lớn” công nghệ Mỹ sẽ bị ảnh hưởng từ luật thuế mới của Pháp. Ảnh: AP

Dự luật trên được đưa ra nhằm ngăn chặn các công ty đa quốc gia tránh thuế bằng cách thiết lập trụ sở tại các nước có mức thuế thấp trong Liên minh châu Âu (EU). Theo đó, Pháp sẽ đánh thuế 3% đối với tất cả các công ty kỹ thuật số có doanh thu toàn cầu hàng năm đạt hơn 750 triệu euro và doanh thu ở Pháp trên 25 triệu euro. Hãng tin AP cho biết, mức thuế mới chủ yếu nhắm vào những hãng công nghệ sử dụng dữ liệu người dùng để bán quảng cáo trực tuyến. Bộ Tài chính Pháp ước tính, với dự luật trên, ngân sách của Pháp ban đầu sẽ được bổ sung thêm 500 triệu euro/năm và có thể cao hơn.

Theo Reuters, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã chịu áp lực chính trị gia tăng khi giới bán lẻ trong nước, kể cả bán hàng trực tuyến, cho rằng họ bị thất thế trước các công ty công nghệ bán hàng chịu mức thuế thấp hơn. Vì thế, ông Macron xem việc đánh thuế lên các công ty công nghệ là vấn đề công bằng xã hội. Ủy ban châu Âu cũng đánh giá các công ty kỹ thuật số đa quốc gia đầu tư tại EU  đang đóng mức thuế lợi nhuận chỉ 8-9%, so với 23% của các công ty truyền thống. Thậm chí, một số hãng công nghệ gần như không đóng thuế ở các quốc gia mà họ có doanh thu lớn, chẳng hạn như Pháp. Tuy nhiên, Paris đã không thể thuyết phục các đối tác trong EU áp đặt loại thuế này trên toàn châu Âu vì sự phản đối của các nước như Ireland, Đan Mạch, Thụy Điển và Phần Lan. Dù vậy, Pháp đang thúc đẩy một thỏa thuận quốc tế về thuế kỹ thuật số trong 34 nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển  Kinh tế (OECD).

Người phát ngôn Thượng viện Pháp cho biết luật trên có thể được ban hành trong vòng 21 ngày và có hiệu lực từ đầu năm 2020, trừ khi Chính phủ hoặc Quốc hội Pháp yêu cầu Hội đồng Hiến pháp xem xét lại.

Trước khi Thượng viện Pháp thông qua dự luật trên, Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 10-7 đã ra lệnh mở cuộc điều tra về kế hoạch đánh thuế mới của Pháp nhằm vào các công ty công nghệ. “Ngài tổng thống đã chỉ đạo chúng tôi điều tra tác động của dự luật đánh thuế dịch vụ kỹ thuật số của Pháp và xác định xem nó có phân biệt đối xử, hay không hợp lý, hoặc là gánh nặng đối với ngành thương mại Mỹ hay không” - Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer nói với tờ Independent. Theo AFP, đây là cuộc điều tra chưa từng có trong lịch sử quan hệ Mỹ-Pháp.

Cuộc điều tra của Washington nhận được sự ủng hộ của các quan chức cấp cao Ủy ban Tài chính Thượng viện Mỹ. Trong một tuyên bố chung, Chủ tịch Ủy ban Tài chính Thượng viện Chuck Grassley và Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Ron Wyden nhấn mạnh: “Thuế dịch vụ kỹ thuật số mà Pháp và các nước châu Âu khác đang theo đuổi rõ ràng là chủ nghĩa bảo hộ và nhắm vào các công ty Mỹ một cách không công bằng mà theo đó sẽ ảnh hưởng tới công ăn việc làm của người Mỹ cũng như làm tổn hại tới người lao động Mỹ”. Theo kế hoạch, Mỹ sẽ tiến hành cuộc điều tra theo Đạo luật 301 trong vòng 1 năm nhằm làm rõ kế hoạch thuế của Pháp có gây tổn hại đến các công ty công nghệ của nước này hay không, cũng như xác định có bất cứ hoạt động thương mại không công bằng nào hay không. Mỹ từng mở các cuộc điều tra tương tự đối với hoạt động thương mại của Trung Quốc và trợ giá của châu Âu trong ngành sản xuất máy bay thương mại cỡ lớn.

Trong khi đó, cả Hiệp hội Internet Mỹ, nơi Facebook, Google và Uber là thành viên, và Hiệp hội Công nghiệp Máy tính và Truyền thông Mỹ đều cho rằng dự luật thuế mới của Pháp là sự phân biệt đối xử đối với các công ty công nghệ xứ cờ hoa. Còn “đại gia” bán lẻ Amazon tuyên bố hoan nghênh chính quyền Trump vì đã có hành động quyết đoán chống lại Pháp.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire đã bác bỏ phản ứng trên của Mỹ. “Pháp là một quốc gia chủ quyền và Pháp tự quyết định sẽ đánh thuế như thế nào” - ông Le Maire trong một tuyên bố khẳng định. Ông nhấn mạnh “những lời đe dọa” không phải là cách giải quyết bất đồng hay tiến tới thỏa thuận.

Ngoài Pháp, các quốc gia EU khác gồm Áo, Anh, Tây Ban Nha và Ý cũng đã công bố kế hoạch đánh thuế dịch vụ kỹ thuật số. Theo đó, bắt đầu từ tháng 4-2020, các công cụ tìm kiếm, nền tảng truyền thông xã hội và thị trường trực tuyến “nhận được lợi nhuận từ người dùng ở Anh” sẽ phải chịu mức thuế mới là 2%.

TRÍ VĂN

Chia sẻ bài viết