13/02/2014 - 08:34

Khó khăn phía trước

Cuộc tái hòa đàm giữa Tổng thống CH Síp gốc Hy Lạp Nicos Anastasiades và lãnh đạo gốc Thổ Nhĩ Kỳ Dervis Eroglu của khu vực miền Bắc ly khai, diễn ra bên trong vùng đệm do Liên Hiệp Quốc (LHQ) kiểm soát ở Thủ đô Nicosia hôm 11-2, đã thông qua tuyên bố chung xác định những nguyên tắc cơ bản cho tương lai đàm phán xây dựng thỏa thuận toàn diện thống nhất đất nước sau 4 thập niên quốc đảo Địa Trung Hải bị chia cắt. Điểm quan trọng nhất trong tuyên bố chung là hướng đến một nhà nước liên bang gồm hai thực thể, điều mà dư luận CH Síp cực lực phản đối.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng cơ hội tốt nhất để CH Síp và vùng lãnh thổ ly khai tái thống nhất là sự chia sẻ công bằng nguồn tài nguyên dầu khí dồi dào chưa khai thác giữa hai thực thể liên bang trong tương lai. Cả hai đang rất cần nguồn thu từ dầu khí để vượt qua khó khăn tài chính và đầu tư vực dậy nền kinh tế do mình quản lý. Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề châu Âu, bà Victoria Nuland đã cam kết giúp khôi phục kinh tế khu vực xung quanh “thành phố ma” Famagusta của người Síp gốc Thổ Nhĩ Kỳ trong chuyến thăm Síp mới đây như là nỗ lực thúc giục hai phe phái chính trị ngồi vào bàn đàm phán sau nhiều tháng dàn xếp rất khó khăn.

Lợi ích thương mại dầu khí tại Síp cũng là vấn đề mà nhiều nước quan tâm, trong đó có Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Thổ Nhĩ Kỳ. Người Mỹ ý thức rằng một khi đảo Síp còn bị chia cắt thì vẫn tồn tại mối đe dọa xung đột giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ, hai quốc gia thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) do Washington chi phối. Năm 1974, quốc đảo Síp phải chia đôi khi Thổ Nhĩ Kỳ đưa quân tới miền Bắc ngăn chặn âm mưu đảo chính sáp nhập Síp vào Hy Lạp. Khu vực này tuyên bố ly khai năm 1983 và chỉ được mỗi Ankara công nhận. Còn CH Síp gia nhập EU năm 2004 sau nỗ lực đàm phán thống nhất quốc đảo bất thành. Tiến trình đàm phán sau đó tiếp tục bế tắc và đổ vỡ giữa năm 2012 trong bối cảnh CH Síp lâm vào cuộc khủng hoảng nợ cần xin cứu viện quốc tế.

Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon, Hội đồng Bảo an LHQ, Mỹ, EU, Thổ Nhĩ Kỳ đều đồng loạt ra tuyên bố hoan nghênh hai nhà lãnh đạo Síp gốc Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ hứa sẽ khởi động tiến trình hòa đàm “càng sớm càng tốt” nhằm tái thống nhất một nhà. Tuy nhiên, con đường chưa có lộ trình này sẽ chông gai ra sao thì không có bên nào thẳng thắn nhìn nhận.

KIẾN HÒA (Theo AFP, Reuters, AFP)

KIẾN HÒA (Theo AFP, Reuters, AFP)

Chia sẻ bài viết