Tỷ lệ ủng hộ Thủ tướng Ý Silvio Berlusconi (ảnh) sụt giảm và bất đồng giữa ông với Tổng thống Giorgio Napolitano cùng Chủ tịch Quốc hội Gianfranco Fini là những dấu hiệu cho thấy sự rạn nứt nghiêm trọng trong liên minh cầm quyền, có thể dẫn tới nguy cơ khủng hoảng chính phủ.
Theo các nhà phân tích, đáng lo nhất cho số phận của chính quyền ông Berlusconi là sự phản đối của ông Fini, đồng sáng lập Liên minh Nhân dân Tự do cầm quyền, đối với nỗ lực của Thủ tướng nhằm thúc đẩy thông qua dự luật hạn chế cảnh sát nghe lén điện thoại và trừng phạt các hãng viễn thông tiết lộ các cuộc gọi đó. Ông Berlusconi cho rằng những quy định mới là cần thiết để bảo vệ sự riêng tư. Tuy nhiên, những người chống đối nghi ngờ mục đích thật sự của ngài Thủ tướng là nhằm ngăn chặn việc rò rỉ các đoạn băng nghe lén, vốn từng làm ông và một số bộ trưởng gặp nhiều rắc rối. Là người thường xuyên chỉ trích việc thiếu tự do tranh luận trong liên minh, ông Fini tất nhiên phản đối kịch liệt dự luật trên và yêu cầu gác lại cho tới khi gói “thắt lưng buộc bụng” trị giá 30,6 tỉ USD gây nhiều tranh cãi được thông qua ở Quốc hội.
Tổng thống Napolitano cũng nhảy vào cuộc tranh cãi. Trong một tuyên bố mới đây, ông Napolitano nói văn phòng thủ tướng đã không lắng nghe những cảnh báo của phủ tổng thống rằng luật hạn chế nghe lén điện thoại là một “bãi mìn”. Ông Napolitano cho biết có thể sẽ không ký dù dự luật được Quốc hội thông qua. Theo báo La Repubblica, những tuyên bố của tổng thống là “cảnh báo nghiêm trọng đối với chính phủ”, và hậu quả của những bất đồng giữa các phe phái trong chính quyền là “không thể đoán được”.
Cả Tổng thống và Chủ tịch Quốc hội còn chỉ trích Thủ tướng về việc hồi tháng rồi bất ngờ bổ nhiệm Aldo Brancher, cựu giám đốc điều hành công ty truyền thông Fininvest (thuộc sở hữu của ông Berlusconi), làm Bộ trưởng cải cách thể chế liên bang, một vị trí mới được lập ra mà không ai nghĩ tới. Một trong những động thái đầu tiên của ông Brancher là tận dụng luật “miễn truy tố” dành cho bộ trưởng để không ra hầu tòa về các cáo buộc biển thủ và lập quỹ phi pháp. Lẽ dĩ nhiên là điều đó vấp phải sự phản ứng dữ dội, kể cả từ các đồng minh của ông Berlusconi. Dưới sức ép của dư luận, ông Brancher đã buộc phải từ chức hôm 5-7, nhưng xem ra khó làm nguôi ngoai sự bất bình trong dân chúng.
Tất cả các tờ báo lớn ở Ý đều có chung nhận định rằng chính trường nước này ngày càng nóng. Thậm chí Libero, một tờ báo thân ông Berlusconi, còn khẳng định liên minh cầm quyền được thành lập 2 năm trước giữa đảng Forza Italia của ông Berlusconi và đảng Dân tộc bảo thủ của ông Fini “không còn tồn tại nữa”.
N. KIỆT (Theo WSJ, Reuters, AFP)