21/02/2011 - 09:06

Khi tàu chiến Iran qua Kênh đào Suez

Kể từ sau cuộc cách mạng Hồi giáo năm 1979 đến nay, Iran chưa bao giờ được phép đưa tàu quân sự qua Kênh đào Suez, nên việc chính quyền chuyển tiếp do quân đội điều hành ở Ai Cập vừa “bật đèn xanh” cho hai tàu chiến của Tehran đến khu vực Địa Trung Hải của Syrie khiến Mỹ và Israel hết sức lo ngại.

 Một tàu khu trục của Iran trên Vùng Vịnh năm 2009. Ảnh: Press TV

Một nguồn tin quân sự Ai Cập hôm 19-2 cho biết quân đội nước này đã chính thức đồng ý yêu cầu của Iran đưa hai tàu chiến đi qua Kênh đào Suez, dù đây là một thách thức ngoại giao lớn đối với chính quyền lâm thời ở Cairo. Một quan chức điều hành Kênh đào Suez cho hay hôm qua 20-2 hai tàu chiến nói trên, gồm tàu khu trục nhỏ Mk-5 do Anh chế tạo từ những năm 1960 và chiếc còn lại là tàu hậu cần, đã tới mạn nam của Vịnh Suez thuộc Biển Đỏ và sẽ tiếp tục hành trình đến mạn bắc của kênh đào này trong buổi sáng hôm nay 21-2, trước khi tới Địa Trung Hải chiều cùng ngày. Cũng theo quan chức này, tuy là tàu chiến nhưng nó không được phép mang theo vũ khí và các nguyên liệu hạt nhân, hóa học. Hãng thông tấn Iran IRNA dẫn lời đại sứ Iran tại Syrie, ông Ahmad Mousavi, cho biết thêm hai tàu chiến lưu thông hợp pháp trên Kênh đào Suez sẽ neo đậu tại một bến cảng ở Syrie trong vài ngày. Và hơn thế nữa, theo tờ Le Figaro (Pháp), tàu chiến Iran có mặt ở Địa Trung Hải có thể là một phần quan trọng trong kế hoạch của hải quân Iran triển khai tàu chiến tại Syrie trong vòng một năm theo yêu cầu của Damas, đồng thời là bước đệm để Tehran tăng cường hiện diện quân sự ở Liban, nơi có phong trào Hồi giáo vũ trang Hezbollah được Iran hậu thuẫn chống Israel.

Vì vậy, ngay sau khi có thông tin Iran tranh thủ sự chấp thuận từ chính quyền quân sự Ai Cập cho tàu chiến của mình đi qua Kênh đào Suez, Ngoại trưởng Israel Avigdor Lieberman lập tức gọi đây là “hành vi khiêu khích”, đồng thời tuyên bố Tel Aviv không thể chấp nhận và sẽ phản ứng kiên quyết trước cái mà Israel gọi là “trạng thái gây hấn liên tục tái diễn” của Tehran. Tại Mỹ, Thư ký Báo chí Nhà Trắng Jay Carney thì cảnh báo Iran đang thể hiện “cách cư xử thiếu trách nhiệm trong khu vực cũng như luôn làm Mỹ lo lắng”, và tuyên bố Washington đang “theo dõi” chặt chẽ lịch trình của hai tàu chiến Iran trên Kênh đào Suez.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng cái mà người Mỹ và Israel quan ngại hơn cả chính là động thái “bật đèn xanh” của chính quyền quân sự chuyển tiếp ở Ai Cập. Dù theo luật pháp Ai Cập, bất kỳ tàu chiến của quốc gia nước ngoài nào cũng có thể đi ngang qua Kênh đào Suez miễn là nước đó không ở trong tình trạng chiến tranh với Cairo, nhưng sự xuất hiện của tàu hải quân Iran là điều chưa có tiền lệ từ sau cuộc cách mạng Hồi giáo ở Iran năm 1979, thời điểm cũng đánh dấu Ai Cập trở thành đồng minh của Mỹ, “bạn tâm giao” của Israel và là “đối trọng” của Iran. Cách đây khoảng một năm, chính quyền Hosni Mubarak đã cho phép cả tàu ngầm của Israel đi qua Kênh đào Suez để đến Biển Đỏ như là cử chỉ cho thấy hai nước muốn tăng cường liên minh chiến lược chống Iran. Nhưng hiện nay, chính quyền mới ở Ai Cập sau sự ra đi của ông Mubarak có thể đang tính chuyện thay đổi quan hệ với Iran như chính quyền ở Thổ Nhĩ Kỳ đã làm. Dù trên nguyên tắc, Ankara vẫn là đồng minh trung thành của Mỹ và giữ mối quan hệ với Israel và châu Âu, nhưng Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan đã tích cực thúc đẩy sự hợp tác ngày càng gần gũi hơn với Iran.

KIẾN HÒA (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết