31/07/2015 - 15:26

Khi điện thoại thông minh trở thành công cụ nghiên cứu y khoa

Các ứng dụng trên điện thoại thông minh (ĐTTM) là công cụ mới nhất kết nối ngành chăm sóc sức khỏe với Thung lũng Silicon, nơi các công ty công nghệ đang điều nghiên phương thức mới để giúp bệnh nhân và bác sĩ nối mạng với nhau, tận dụng sức mạnh to lớn của điện toán để phân tích ADN, thậm chí là phát triển viên thuốc "thông minh" giúp chẩn đoán ung thư.

Sức hút từ lĩnh vực nghiên cứu y khoa bằng ứng dụng ĐTTM

Theo hãng tin Mỹ AP, hơn 75.000 người đã đăng ký tham gia các nghiên cứu y khoa sử dụng các ứng dụng chuyên ngành trên iPhone, được phát triển dựa trên phần mềm của hãng Apple nhằm biến ĐTTM thành một công cụ nghiên cứu. Sau khi đăng ký, người dùng iPhone sử dụng các ứng dụng để gửi dữ liệu sức khỏe hằng ngày, bằng cách trả lời một số câu hỏi khảo sát và dùng các cảm biến tích hợp trên điện thoại để đánh giá các triệu chứng của họ.

Bà Jody Kearns mắc bệnh Parkinson (hội chứng liệt rung), buộc phải từ bỏ sở thích đi xe đạp do căn bệnh ảnh hưởng đến khả năng giữ thăng bằng, dù bản thân bà vẫn làm việc, lái xe và cố sống một cuộc sống bình thường. Nhưng kể từ khi tham gia một nghiên cứu lâm sàng sử dụng iPhone để thu thập thông tin về tình trạng của mình, chuyên gia dinh dưỡng 56 tuổi ở New York đã tích cực thực hiện các bài kiểm tra 3 lần/ngày, như gõ lên màn hình điện thoại theo một kiểu nhất định, ghi âm một câu nói và đi một quãng ngắn để cảm biến chuyển động trên điện thoại ghi lại tư thế của bà. Trong khi đó, nữ y tá 48 tuổi Elizabeth Ortiz bị bệnh hen suyễn thì cung cấp thông tin nghiên cứu qua việc đo dung tích phổi mỗi ngày bằng cách thổi vào một thiết bị bằng nhựa, rồi nhập kết quả vào ứng dụng Asthma Health và nó sẽ hỏi xem bà có bị khó thở hay khó ngủ gì không, hoặc đã uống thuốc hay chưa. "Tôi nghĩ rằng tham gia nghiên cứu sẽ giúp ích cho gia đình và bạn bè, cũng như bất cứ ai bị hen suyễn" – bà Ortiz cho biết.

Bà Elizabeth Ortiz đang tham gia nghiên cứu về bệnh hen suyễn qua ứng dụng di động.

Hãng Apple từng ra mắt phần mềm HealthKit dành cho các ứng dụng theo dõi thông tin sức khỏe và thói quen tập thể dục của người dùng iPhone. Phó Chủ tịch Jeff Williams cho biết công ty muốn giúp đỡ các nhà khoa học bằng cách tạo ra phần mềm bổ sung cho các ứng dụng chuyên biệt hơn, tận dụng tính năng của iPhone và số lượng người dùng khổng lồ (chỉ riêng khu vực Bắc Mỹ đã có hơn 70 triệu người). Tháng 3-2015, "quả táo khuyết" tiếp tục tung ra chương trình ResearchKit với 5 ứng dụng điều tra bệnh Parkinson, suyễn, bệnh tim, tiểu đường và ung thư vú. Ứng dụng thứ 6 ra mắt hồi tháng rồi giúp thu thập thông tin cho một nghiên cứu về sức khỏe lâu dài của người đồng tính nam và đồng tính nữ do Đại học California tại San Francisco thực hiện. Williams cho biết nhiều ứng dụng khác cũng đang được phát triển. Trong nỗ lực tương tự, hãng công nghệ Google cũng đang phát triển loại vòng đeo tay theo dõi sức khỏe được thiết kế riêng cho các nghiên cứu y khoa. Hiện các chuyên gia cũng đang tiến hành một vài nghiên cứu dựa vào dữ liệu thu thập từ các ứng dụng trên điện thoại Android.

Thuận lợi và thách thức khi dùng ứng dụng để nghiên cứu y học

Mặc dù loại hình nghiên cứu qua ứng dụng ĐTTM mới ở giai đoạn đầu, song các chuyên gia tin rằng mi-crô, cảm biến chuyển động và màn hình cảm ứng của ĐTTM có thể thu thập dữ liệu chính xác hơn, thậm chí đáng tin cậy hơn quan sát của bác sĩ trong một số trường hợp. Tiến sĩ Ray Dorsey, một nhà thần kinh học tại Đại học Rochester đang chủ trì một nghiên cứu bệnh Parkinson dựa trên ứng dụng mPower, cho biết một bài kiểm tra đo tốc độ bệnh nhân gõ các ngón tay theo một trình tự cụ thể trên màn hình cảm ứng của iPhone sẽ khách quan hơn qui trình hiện dùng tại các bệnh viện, nơi bác sĩ nhìn bệnh nhân gõ ngón tay và cho điểm.

Các nhà khoa học giám sát các nghiên cứu cho rằng các ứng dụng có thể thay đổi hoàn toàn tính chất của nghiên cứu y khoa khi thu thập thông tin thường xuyên hơn và từ nhiều người hơn, tại các khu vực địa lý rộng lớn hơn so với phương pháp nghiên cứu truyền thống. ĐTTM "là nền tảng tuyệt vời để nghiên cứu, bởi nó là thứ mà mọi người sử dụng mỗi ngày" – Tiến sĩ Michael McConnell, chuyên gia tim mạch tại Đại học Stanford đang dùng ứng dụng để nghiên cứu bệnh tim, cho biết. Ngoài ra, dùng ứng dụng ĐTTM là cách tương đối rẻ tiền để tiếp cận hàng ngàn người có hoàn cảnh và khu vực địa lý khác nhau, mà nhà nghiên cứu không cần sống gần nơi tiến hành nghiên cứu hoặc xin nghỉ phép để thu thập kết quả đánh giá thường xuyên như phương pháp nghiên cứu truyền thống (vốn chỉ thu hút vài trăm người tham gia).

Dù ĐTTM có triển vọng to lớn trong nghiên cứu y học, các chuyên gia vẫn lo ngại một số thách thức khi sử dụng dữ liệu của nhiều người trong chương trình thử nghiệm. Điều quan trọng nhất là bảo vệ quyền riêng tư và dữ liệu thu thập được. Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu cũng cho rằng các ứng dụng đòi hỏi phải được thiết kế để đặt câu hỏi và thu hồi thông tin hữu ích, mà không khiến người tham gia quá tải hoặc chán nản sau vài tuần.

THANH TRÚC (Theo AP)

Chia sẻ bài viết