HẠNH NGUYÊN (Theo CNBC)
Amazon vừa xác nhận đang cho nhân viên thôi việc sau khi truyền thông đưa tin tập đoàn thương mại điện tử này sẽ sa thải khoảng 10.000 lao động. Với những đợt sa thải nhân viên mới nhất của các công ty công nghệ như Twitter, Meta và Amazon chỉ trong vài tuần qua, giấc mơ mà các hãng từng ca ngợi để ai cũng muốn gia nhập đang dần phai mờ.

Trụ sở Twitter tại San Francisco, Mỹ. Ảnh: AP
Trong nhiều thập niên, “những gã khổng lồ” công nghệ ở Thung lũng Silicon (Mỹ) như Google, Apple, Facebook và Twitter đã thiết lập tiêu chuẩn vàng để phát triển trong không gian công nghệ. Các nhân viên muốn làm việc dưới trướng những nhà lãnh đạo đổi mới, tận hưởng những khuôn viên rộng lớn và sử dụng tài năng của họ để xây dựng công nghệ có tầm ảnh hưởng nhất thế giới. Tuy nhiên nhiều năm qua, đặc biệt là đại dịch COVID-19, đã bắt đầu phơi bày những rạn nứt bên ngoài và hé lộ khuyết điểm của từng công ty, từ các vụ rò rỉ dữ liệu cho đến kiện tụng về việc ngược đãi nhân viên, xáo trộn ở tầng lớp lãnh đạo.
Làn sóng sa thải của Twitter, Meta và Amazon trong vài tuần qua, đã đủ làm mờ nhạt giấc mơ mà các hãng đánh bóng nhằm khiến nhân viên công nghệ “mê mệt”. Sau khi Twitter quyết định sa thải 3.700 nhân viên hôm 4-11, 11% số nhân viên còn lại tin rằng nền tảng mạng xã hội này sẽ thành công dưới sự quản lý của chủ mới Elon Musk, theo khảo sát gần đây của diễn đàn trực tuyến ẩn danh Blind. Chỉ 2% nhân viên coi Twitter là nhà tuyển dụng những người bạn của họ và 1% tin rằng công ty đối xử với nhân viên bằng sự đồng cảm trong đợt sa thải vừa rồi. Sau khi Meta sa thải 11.000 nhân viên hôm 9-11, 31% số nhân viên còn lại cho biết sẽ xem nhà tuyển dụng của họ như một người bạn và 55% tin rằng công ty mẹ của Facebook đã hành xử bằng sự thận trọng trong đợt cắt giảm nhân sự.
Ngoài bê bối và bị dư luận săm soi, thông tin về thu hẹp quy mô nhân sự cũng sẽ ảnh hưởng đáng kể đến cách nhìn của mọi người về một công ty tốt lành để làm việc. Loạt cắt giảm nhân sự ồ ạt vừa rồi có thể báo hiệu các hãng công nghệ được yêu thích ở Thung lũng Silicon đang mất đi vẻ ngoài sáng bóng. Nói như Rick Chen, lãnh đạo bộ phận PR của Blind, các đợt sa thải nhân viên sẽ tạo ra “rủi ro cho uy tín” rất rõ ràng và “ảnh hưởng đến thương hiệu nhà tuyển dụng”. Lấy ví dụ như tập đoàn Snap (công ty mẹ của Snapchat), hồi tháng 8 đã sa thải 20% nhân viên, tương đương 1.000 người. Trước đó, khoảng 75-85% nhân viên của Snap được khảo sát thừa nhận họ xem nhà tuyển dụng này như bạn. Nhưng sau đợt sa thải, tỷ lệ đó giảm xuống còn 30%. “Các đợt sa thải đã thay đổi quan niệm coi Snap là nhà tuyển dụng hấp dẫn. Chúng ta đang chứng kiến xu hướng tương tự ở các công ty lớn và cũng đang thấy các đợt sa thải có tác động mạnh đến thương hiệu nhà tuyển dụng mà họ đã xây dựng trong nhiều năm”, Chen bình luận.
Danh tiếng thương hiệu của một nhà tuyển dụng là vấn đề nghiêm túc đối với các nhân viên công nghệ, những người thừa biết nhà tuyển dụng lúc nào cũng cần kỹ năng của họ. Theo khảo sát của trang web Dice, gần 90% người được hỏi cho rằng thương hiệu của một nhà tuyển dụng rất quan trọng khi họ cân nhắc tìm kiếm công việc mới và 80% sẽ không nộp đơn ứng tuyển vị trí lương cao hơn tại một công ty mang tiếng xấu. Ðược biết, Google, Meta cũng đang loại bỏ những đặc quyền như các dịch vụ cung cấp thức ăn và giặt ủi miễn phí cho nhân viên.
Dù trong ngành công nghệ hay ngành nghề khác, nhu cầu tuyển dụng lao động có kỹ năng công nghệ vẫn rất cao. Tính đến tháng 10, có 317.000 việc làm công nghệ còn trống tại Mỹ, cao hơn so với 200.000-250.000 việc làm công nghệ được đăng tuyển mỗi tháng hồi trước đại dịch. Phần lớn các nhà tuyển dụng mà Art Zeile, Giám đốc điều hành của Dice, hợp tác đều cho rằng rất khó tuyển một số vị trí cụ thể, đặc biệt là khoa học dữ liệu, an ninh mạng và giới tuyển dụng đang muốn cứu vớt những lao động bị ảnh hưởng bởi làn sóng sa thải vừa rồi.