26/08/2018 - 08:57

Khi bóng gậy giúp chống nạn phân biệt đối xử 

Hàng trăm ngàn học sinh ở các trường học trên khắp Ấn Độ đang học chơi bóng gậy. Nhưng tại đất nước vốn xem môn thể thao này như một niềm đam mê quốc gia, những lớp dạy chơi bóng gậy không phải được tiến hành để tìm ra siêu sao mà mục đích là nhằm thúc đẩy bình đẳng giới.

Sumita Kumari, giáo viên tại trường Jawahar Navodya Vidyalaya thuộc bang Tây Bengal, cho biết khoảng 80% dân số Ấn Độ đến từ các vùng nông thôn, nơi mà nhiều trẻ em có thể phải đối mặt với tình trạng bất bình đẳng giới. “Tại môi trường nông thôn, sự bất bình đẳng giới thể hiện rất rõ. Một là, bạn có thể nhận thấy sự hạn chế về tự do của các bé gái. Hai là, bạn có thể thấy được sự phân chia rõ ràng trong công việc giữa nam và nữ. Theo đó, nam giới có thể làm việc bên ngoài trong khi nữ giới tối ngày chỉ loay hoay với việc nhà” – Kumari nói. Theo cô, nếu một bé gái muốn tham gia các môn thể thao như bơi lội, bóng đá hay bóng gậy, em sẽ trở thành nạn nhân của tình trạng bất bình đẳng giới. “Tương tự như vậy, nếu một bé trai muốn nấu ăn hay khiêu vũ, xã hội này sẽ nhìn cậu ta bằng ánh mắt không thiện cảm. Cậu ta sẽ bị nhạo báng và bất hợp tác” – Kumari cho biết thêm.

Một bé gái Ấn Độ tập chơi bóng gậy. Ảnh: BBC

 

Là một trong những giáo viên tham gia giảng dạy chương trình thí điểm thuộc dự án “Changing Moves Changing Minds (tạm dịch: Thay đổi cử động, thay đổi suy nghĩ) do Hội đồng Anh phối hợp với Câu lạc bộ bóng gậy khu vực Marylebone và Học viện Múa Hoàng gia Anh triển khai với hy vọng có thể đối phó nạn phân biệt đối xử thông qua môn bóng gậy và khiêu vũ, Kumari cho hay đã dạy cho trẻ một điệu nhảy mới, trong đó được kết hợp giữa các động tác của môn bóng gậy với các bước nhảy Ấn Độ. Cô nói rằng các bé ban đầu cảm thấy “rất khó chịu”, đa số đều tuyên bố sẽ không khiêu vũ và chơi bóng gậy với bạn khác giới. Tuy nhiên, sau những nỗ lực của mình, chẳng hạn như khuyến khích trẻ cũng như trò chuyện với cha mẹ chúng, Kumari cho biết các bé gái đã đồng ý chơi bóng gậy trong khi các bé trai đã chịu khiêu vũ.

Hiện dự án trên đang được triển khai tại các trường học trên khắp Ấn Độ. Dự kiến, khoảng 300.000 thanh thiếu niên Ấn Độ sẽ tham gia các lớp học khiêu vũ và chơi bóng gậy do các giáo viên được đào tạo chuyên môn hướng dẫn trong vòng 3 năm tới. “Thể thao là một ngôn ngữ toàn cầu. Khi chơi bóng gậy, tinh thần đồng đội sẽ được nâng cao, mọi người sẽ hợp tác với nhau. Môn thể thao này hiện được xem là chiếc cầu nối mạnh mẽ trên khắp Ấn Độ” - Alan Gemmell, giám đốc chi nhánh Hội đồng Anh ở Ấn Độ, nhận định. 

TRÍ VĂN (Theo BBC) 

Chia sẻ bài viết