Bên cạnh việc lựa chọn giống thích hợp với vụ mùa của địa phương, khâu chuẩn bị làm đất trước khi sạ giống sẽ giảm được chi phí sản xuất, tăng năng suất sau thu hoạch. Để giúp nông dân đạt hiệu quả trong canh tác, Tiến sĩ Chu Văn Hách, Trưởng Bộ môn Phân bón và Kỹ thuật canh tác Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long đưa ra một số giải pháp khuyến cáo cho vụ lúa hè thu năm 2012.
Theo Tiến sĩ Chu Văn Hách, vụ hè thu đặc biệt hơn so với những vụ mùa khác trong năm. Đây là thời điểm nông dân phải hết sức lưu ý yếu tố khá quan trọng là khâu làm đất và bón phân lân sớm. Nếu vụ đông xuân lúa tốt vì đất khỏe, không có yếu tố hạn chế, bị ngập nước nhiều, phân lân có đầy đủ, không ngộ độc chất hữu cơ, điều kiện nhiệt độ, ánh sáng tốt, thì những yếu tố này lại hạn chế ở vụ hè thu.
Theo khuyến cáo của Tiến sĩ Chu Văn Hách, đầu tiên, bà con phải xác định đất bị ngộ độc hay nhiễm phèn để có cách xử lý hiệu quả nhất. Trước khi làm đất, nếu có điều kiện, bà con đưa nước vào ruộng ngâm 1 ngày 2 đêm hoặc 2 ngày 2 đêm, rồi tháo nước ra. Công đoạn này giúp thải được những độc tố trong đất. Làm từ 1-2 lần như thế, giúp loại bớt khỏi đất những độc tố chất sắt, nhôm hoặc phèn. Đây là một giải pháp tối ưu nhưng rất đơn giản, người dân ai cũng có thể làm được, không tốn nhiều chi phí. Nếu xử lý khâu làm đất tốt, giúp bà con giảm chi phí cho công đoạn bón phân.
Sau khi xử lý đất, bà con cũng phải lưu ý đến việc bón phân, trong đó, cần phân bón lân sớm. Trong trường hợp bà con sử dụng phân phức hợp hoặc NPK thì phải bón phân vào giai đoạn từ 7-8 ngày sau khi sạ và bón đều trên lúa. Trong quá trình sạ lúa, cần sạ mật độ thưa. Cần lưu ý, thông thường vụ hè thu, bà con hay bón phân đạm nhiều, đó là việc làm không khoa học. Trong vụ hè thu, các nhà khoa học luôn khuyến cáo nên ít bón phân có nhiều đạm. Nguyên nhân là do trong đất có những yếu tố cản trở cây lúa hấp thu, khi bón phân có nhiều đạm sớm. Những yếu tố cản trở cây lúa phát triển là do các chất hữu cơ có sẵn trong đất, các vi sinh vật phân hủy chất hữu cơ này, tạo thành khí, thoát ra những độc tố có axit hữu cơ. Chất này làm cho oxy và hô hấp giảm đi, dẫn đến việc làm rối loạn quá trình hấp thu dinh dưỡng của cây lúa. Mặt khác, việc bà con lạm dụng phân bón nhiều đạm, thì nguy cơ sâu bệnh phát triển trên cây lúa cao. Do đó, việc bón phân phải có chọn lựa và theo khuyến cáo của nhà khoa học.
|
Bà con nông dân xã Thạnh Phú, huyện Cờ Đỏ giặm lúa. |
Thời gian đầu vụ hè thu thường có thời tiết nắng nóng, nên xuất hiện một số bệnh thường gặp trên cây lúa, như: bệnh bù lạch, rầy nâu... Đặc biệt, đối với những trường hợp bà con làm vụ hè thu sớm, bệnh rầy nâu có thể có, do lây truyền từ vụ mùa trước. Bên cạnh đó, theo khuyến cáo của Tiến sĩ Chu Văn Hách, bà con cần chọn những giống lúa phù hợp với vụ mùa tại địa phương đã được những nhà khoa học khuyên dùng. Nếu bà con làm 3 vụ, lưu ý chọn những giống lúa khỏe, kháng rầy nâu, đạo ôn, chống chịu được với bệnh vàng lùn và xoắn lá, hàm lượng amylose <25%, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, vì thời tiết vụ hè thu thường có mưa, gió, cây lúa dễ đổ, ngã...
Bài, ảnh: THẢO MỘC