30/05/2011 - 08:26

Kỷ niệm 100 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911 - 5/6/2011)

Khẩu hiệu "Tự do - Bình đẳng - Bác ái" của Cách mạng Pháp với việc ra đi tìm đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành

* PGS. TS VŨ QUANG HIỂN
Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội

(Tiếp theo và hết)

Đầu thế kỷ XX, khi giai cấp tư sản Việt Nam chưa ra đời, nhưng hệ tư tưởng tư sản đã ảnh hưởng đến Việt Nam. Các trí thức phong kiến tiếp thu hệ tư tưởng này làm vũ khí chống Pháp, làm dấy lên một phong trào yêu nước sôi nổi với hai xu hướng bạo động và cải cách. Đại diện xu hướng bạo động là Phan Bội Châu. Ông chủ trương dựa vào sự giúp đỡ bên ngoài, chủ yếu là Nhật Bản, để đánh Pháp giành độc lập dân tộc, thiết lập một nhà nước theo mô hình quân chủ lập hiến của Nhật. Ông lập ra Hội Duy tân (1904), tổ chức phong trào Đông Du (1906-1908). Chủ trương dựa vào đế quốc Nhật để chống đế quốc Pháp không thành, ông về Xiêm nằm chờ thời. Giữa lúc đó Cách mạng Tân Hợi bùng nổ và thắng lợi (1911), ông về Trung Quốc, lập ra Việt Nam Quang phục hội (1912) với ý định tập hợp lực lượng rồi kéo quân về nước võ trang bạo động đánh Pháp, giải phóng dân tộc, nhưng rồi cũng không thành công. Đại diện xu hướng cải cách là Phan Châu Trinh. Ông chủ trương dùng những cải cách văn hóa, mở mang dân trí, nâng cao dân khí, phát triển kinh tế theo hướng tư bản chủ nghĩa trong khuôn khổ hợp pháp, làm cho dân giàu, nước mạnh, buộc thực dân Pháp phải trao trả độc lập cho nước Việt Nam. Theo xu hướng này, ở Bắc kỳ có việc mở trường học, giảng dạy và học tập theo những nội dung và phương pháp mới, tiêu biểu là trường Đông kinh nghĩa thục Hà Nội. Ở Trung kỳ có cuộc vận động Duy tân, hô hào thay đổi phong tục, nếp sống, kết hợp với phong trào đấu tranh chống thuế (1908).

Do những hạn chế về lịch sử, nên Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, cũng như các sĩ phu cấp tiến lãnh đạo phong trào yêu nước đầu thế kỷ XX không thể tìm được một phương hướng giải quyết chính xác cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, nên chỉ sau một thời gian phát triển bồng bột đã bị kẻ thù dập tắt.

Mặc dù diễn ra liên tục và anh dũng, “người trước ngã, người sau đứng dậy”, nhưng các phong trào theo khuynh hướng chính trị phong kiến hoặc tư sản, gắn độc lập dân tộc với chủ nghĩa phong kiến hoặc chủ nghĩa tư bản đều bị đế quốc Pháp đàn áp. Sự nghiệp giành độc lập dân tộc lâm vào một “tình hình đen tối tưởng như không có đường ra”. Tình hình ấy đặt ra yêu cầu bức thiết phải tìm một con đường mới.

Lúc còn ở tuổi thiếu niên, Nguyễn Tất Thành có thường theo phụ thân đi nhiều nơi tìm những người cùng chí hướng để bàn luận về thời cuộc, nên có điều kiện mở rộng tầm nhìn, tầm suy nghĩ, thấy rõ sự thống khổ của nhân dân, nên “sớm có chí đuổi thực dân Pháp giải phóng đồng bào” và không khỏi băn khoăn khi thấy nhiều cuộc nổi dậy của nhân dân không thành công. Câu hỏi “làm thế nào để cứu nước” sớm được đặt ra trong trí óc người thiếu niên yêu nước[9].

Được chứng kiến những thất bại của các phong trào yêu nước chống Pháp, từ lòng yêu nước và khát vọng giải phóng dân tộc, năm 1911 Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước. Trước khi đi, Tất Thành bàn với một người bạn thân: “Tôi muốn đi ra ngoài xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta. Nhưng nếu đi một mình, thật ra cũng có điều mạo hiểm, ví như khi đau ốm... Anh muốn đi với tôi không?”. Khi người bạn hỏi “lấy đâu ra tiền mà đi?”, Nguyễn Tất Thành vừa nói, vừa giơ hai bàn tay một cách tự tin và kiên quyết: “Đây, tiền đây... chúng ta sẽ làm việc. Chúng ta sẽ làm bất cứ việc gì để sống và để đi”[10].

Mục đích chuyến đi của Nguyễn Tất Thành không phải để kiếm cách sinh nhai, mà chủ yếu là để tìm hiểu thế giới bên ngoài, nhất là thế giới phương Tây, với hy vọng tìm được điều hữu ích để “giúp đồng bào chúng ta”. Đó không phải là một cuộc hành trình phẳng lặng, mà là một con đường đây gian truân đang chờ sẵn.

3. Và hướng tới một ánh sáng mới

Nguyễn Tất Thành sinh ra và lớn lên khi đất nước đã bị biến thành thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc, nhân dân phải chịu cảnh lầm than.

Khi còn đi học ở Huế, Tất Thành từng tham gia phong trào đấu tranh chống thuế của nông dân Thừa Thiên (4-12-1908). Họ đi tay không, chỉ đòi giảm thuế. Để tỏ tình đoàn kết nhất trí, họ đều cắt tóc ngắn và gọi nhau là “đồng bào”. Người được chứng kiến thực dân Pháp khinh rẻ, bóc lột, hành hạ người Việt Nam, nhà trường ca ngợi chế độ thực dân phong kiến; được nghe kể về hành động của những ông vua yêu nước như Thành Thái, Duy Tân và những bàn luận về con đường cứu nước trong các sĩ phu yêu nước.

Bằng sự mẫn cảm vốn có, lần đầu tiên khi rời Phan Thiết vào Sài Gòn (2-1911), Nguyễn Tất Thành nhận thấy rõ thêm sự đối lập giữa hai cảnh sống của những kẻ thực dân và những người lao động mất nước: cuộc sống ăn chơi xa hoa dành riêng cho người Pháp, và cuộc sống rách rưới, lam lũ, làm đủ các nghề nặng nhọc, kéo xe, bốc vác..., sống chui rúc trong những túp nhà lụp xụp, tối tăm của đa số người dân Việt Nam.

Nguyễn Tất Thành thấy rõ ở Việt Nam, nhân dân “là những người nông dân bị nhấn chìm trong bóng đêm hết sức tối tăm”, “không ai hiểu bây giờ trên thế giới đang diễn ra những gì; đêm tối, thực sự là đêm tối”. Người Pháp ở Đông Dương không cho người Việt Nam xem sách báo. “Không phải chỉ sách của những nhà văn mới, mà cả Rútxô và Môngtexkiơ cũng bị cấm. Thân phận người Annam chỉ là thân phận người nông nô”. Họ không có tự do đi lại, mà bị cấm, “không phải chỉ là bị cấm đi du lịch ra nước ngoài mà cả đi lại trong nước cũng không được”[11].

Thiên tài trí tuệ và nhãn quan chính trị sắc bén giúp Nguyễn Tất Thành nhận thấy, trong các phong trào cứu nước của ông cha đều có những hạn chế. Phong trào Đông Du tan rã, chứng tỏ không thể dựa vào Nhật để đánh Pháp, điều đó chẳng khác gì “đuổi hổ cửa trước, rước beo cửa sau”. Thất bại của phong trào Duy tân cũng cho thấy việc trông chờ vào thiện chí của người Pháp để được trao trả nền độc lập cũng chẳng khác gì “xin giặc rủ lòng thương”. Khởi nghĩa của Hoàng Hoa Thám tuy có phần thực tế hơn, “nhưng vẫn mang nặng cốt cách phong kiến”. Chính vì thế, mặc dù rất khâm phục tinh thần cứu nước của ông cha, nhưng Nguyễn Ái Quốc không đi theo con đường của họ, mà quyết tâm ra đi tìm một con đường mới, mà trước mắt là con đường xem xét, học hỏi.

Một lần trả lời nhà văn Mỹ Anna Luyxơtơrông, Nguyễn Ái Quốc nói: “Nhân dân Việt Nam, trong đó có ông cụ thân sinh ra tôi, lúc này thường tự hỏi nhau ai sẽ là người giúp mình thoát khỏi ách thống trị của Pháp. Người này nghĩ là Anh, có người lại cho là Mỹ. Tôi thấy phải đi ra nước ngoài xem cho rõ. Sau khi xem xét họ làm ăn ra sao, tôi sẽ trở về giúp đồng bào tôi”[12].

Ngày 3-6-1911, Nguyễn Tất Thành với tên gọi Văn Ba được một thủy thủ dẫn lên tàu Đô đốc Latútsơ Tơrêvin (Amiral Latouche Tréville), một con tàu lớn của hãng Sácgiơ Rêuyni (Charge Réuni), vừa chở khách, vừa chở hàng, gặp thuyền trưởng Maixen (Maisen) và được nhận làm phụ bếp trên tàu. Chuyến đi được xác định.

Ngày 5-6-1911 mở đầu cuộc hành trình đi tìm chân lý của Văn Ba. Đó là chuyến đi một mình, không theo một tổ chức nào, cũng không có nguồn tài trợ. Hành trang của người là chủ nghĩa yêu nước và hai bàn tay lao động, nhưng với quyết tâm và nghị lực phi thường.

Bằng một trí tuệ văn hóa mở, người thanh niên yêu nước, thương dân, với hoài bão lớn lao tìm hiểu nền văn minh thế giới, học hỏi để trở về giúp đồng bào. Từ đây, Nguyễn Ái Quốc vượt qua các đại dương đầy sóng gió, đến với nhân loại cần lao đang tranh đấu ở nhiều châu lục và quốc gia trên trái đất. Một giai đoạn tìm hiểu lý luận kết hợp với khảo sát thực tiễn bắt đầu.

(Theo TTXVN)

-----------------------
[9] GS. Song Thành (chủ biên), Hồ Chí Minh Tiểu sử, Sđd, tr. 39.
[10] Trần Dân Tiên, Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb, Chính trị quốc gia và Nxb. Trẻ, Hà Nội, 2005, tr. 13-14..
[11] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t.1, tr. 476-477.
[12] Trần Dân Tiên: Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb, Chính trị quốc gia và Nxb. Trẻ, Hà Nội, 2005, tr. 25-26.

Chia sẻ bài viết