07/07/2022 - 18:51

Khai thác hiệu quả tiềm năng, nâng cao giá trị ngành xoài 

Ngày 7-7, tại TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, đã diễn ra Hội thảo “Phát triển ngành hàng xoài” và tôn vinh nông dân có nhiều thành tích trong trồng xoài.

Xoài là một trong những loại trái cây đặc trưng của Đồng Tháp, nơi có lợi thế về thổ nhưỡng, khí hậu thích hợp cho cây xoài phát triển. Toàn tỉnh Đồng Tháp có hơn 14.000ha trồng xoài, chiếm 33,7% trên tổng diện tích cây ăn trái của tỉnh, đạt sản lượng 170.000 tấn/năm, xếp thứ 2 khu vực ĐBSCL.

Quang cảnh hội thảo.

Xoài Cao Lãnh được tiêu thụ tại nhiều tỉnh và thành phố lớn, những điểm du lịch nổi tiếng tại Việt Nam, có mặt ở các kênh phân phối phổ biến từ chợ, cửa hàng bán lẻ đến hệ thống siêu thị lớn như Co.op Mart, Vinmart, Bách Hóa Xanh... Xoài Cao Lãnh cũng được xuất khẩu sang các thị trường lớn như Nhật Bản, Mỹ, Úc, Trung Quốc, Hàn Quốc,...

Thời gian gần đây, tỉnh đã có nhiều giải pháp và cách làm hay để phát triển ngành hàng xoài cả về diện tích, năng suất và khả năng tiêu thụ, xuất khẩu. Năm 2013, sản phẩm xoài đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận nhãn hiệu “Xoài Cát Chu Cao Lãnh và Xoài Cao Lãnh”. Năm 2019, Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm xoài với khu vực địa lý các vùng xoài trên địa bàn TP Cao Lãnh và huyện Cao Lãnh với 2 giống xoài là xoài Cát Chu và xoài Cát. Năm 2019, lần đầu tiên trái xoài Đồng Tháp - Trái Xoài Việt Nam được xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Đầu năm 2022, lô xoài Cát Chu đầu tiên của Đồng Tháp được xuất khẩu sang Châu Âu. Sự kiện này được đánh giá mở rộng cửa cho đặc sản xoài Đồng Tháp xuất khẩu sang thị trường khó tính.

Bên cạnh đó, người dân Cao Lãnh còn khai thác thế mạnh của trái xoài để chế biến thành các món ăn, thức uống quen thuộc như: xoài sấy dẻo, bánh xoài, bánh tráng xoài, rượu xoài, kẹo xoài… tạo bước đột phá trong công nghệ chế biến, phát huy giá trị tài nguyên bản địa trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Trong đó, có nhiều sản phẩm khởi nghiệp đạt chứng nhận OCOP từ 3 đến 4 sao.

Tuy nhiên theo đánh giá của các chuyên gia, sự phát triển đó còn thấp so với tiềm năng, cần có giải pháp hữu hiệu để khai thác triệt để lợi thế của địa phương để phát triển. Ông Lê Quốc Điền, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đồng Tháp, cho biết để đẩy mạnh phát triển và nâng cao hiệu quả, giá trị ngành xoài, trong thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ thúc đẩy, hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp thực hiện làm tốt hơn nữa việc đăng ký mã vùng trồng, mã số đóng gói cũng như tăng diện tích sản xuất VietGAP.

Xoài Cao Lãnh ngày càng khẳng định thương hiệu ở thị trường quốc tế.

Theo ông Điền, cũng cần quy hoạch vùng trồng và tăng cường công tác theo dõi nắm bắt tình hình sản xuất trên địa bàn. Khuyến kích vận động người dân tích cực tham gia các hợp tác xã, tổ hợp tác, hội quán sản xuất sản phẩm đạt chất lượng an toàn. Đồng thời, các hợp tác xã là đầu mối liên kết với các doanh nghiệp để đưa sản phẩm ra thị trường. Vận động các hộ trong HTX sản xuất an toàn, ứng dụng khoa học kỹ thuật, sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học trong canh tác. Doanh nghiệp xuất khẩu trái tươi cũng cần kết hợp với doanh nghiệp chế biến để gia tăng giá trị sản phẩm.

Xoài là loại trái cây có rất nhiều tiềm năng phát triển.

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, xoài của Việt Nam chỉ mới chiếm hơn 2% thị phần xuất khẩu xoài trên thế giới, do đó còn rất nhiều dư địa. Khi xuất khẩu xoài, các chuyên gia lưu ý nhà vườn, doanh nghiệp Đồng Tháp về các yêu cầu của thị trường nhập khẩu đối với nông sản, đặc biệt là các chất cấm, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Cách thức thu hái, vận chuyển, xử lý nước nóng, phân loại, đóng gói, bao bì, làm lạnh không đúng cách sẽ ảnh hưởng đến chất lượng xoài, nhất là mủ xoài làm ảnh hưởng đến chất lượng trái rất nhiều. Các giải pháp công nghệ thu hoạch, bảo quản cũng được các chuyên gia giới thiệu đến nhà vườn, doanh nghiệp.

Xoài được chế biến thành rất nhiều món ăn, góp phần nâng cao giá trị ngành xoài.

Ra mắt Liên chi hội ngành xoài Việt Nam.

Thành lập Liên chi hội Xoài Việt Nam

Ngày 7.7, tại Hội thảo “Phát triển ngành hàng xoài” và tôn vinh nông dân có nhiều thành tích trong trồng xoài, Hiệp hội Rau quả Việt Nam đã công bố quyết định thành lập Liên Chi hội Xoài Việt Nam trực thuộc Hiệp hội Rau quả Việt Nam. Nhiệm vụ của Liên chi hội là liên kết hội viên, hỗ trợ nhau sản xuất, kinh doanh, cùng nhau phát triển; phối hợp với các địa phương hỗ trợ người sản xuất, kinh doanh xoài, xây dựng chuỗi cung ứng xoài, kết nối tiêu thụ, mở rộng thị trường… Liên chi hội là tổ chức không có tài khoản và không con dấu, có văn phòng tại TP Hồ Chí Minh và các địa phương có vùng nguyên liệu xoài. Ban Chấp hành Liên chi hội có 11 ủy viên, trong đó có 1 Liên chi hội trưởng, 4 Liên chi hội phó và 6 ủy viên.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Vina T&T Group, làm liên chi hội trưởng, các liên chi hội phó gồm lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các doanh nghiệp kinh doanh xoài trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp. 

 

Bài, ảnh: ĐÌNH PHONG

Chia sẻ bài viết