22/03/2011 - 08:50

Khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XII

(TTXVN)- Sáng 21-3, Kỳ họp thứ 9, Quốc hội (QH) khóa XII đã khai mạc trọng thể tại Thủ đô Hà Nội. Dự phiên khai mạc có các đồng chí: Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng; Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Huỳnh Đảm.

Phát biểu khai mạc, Tổng Bí thư, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: Kỳ họp thứ 9 của Quốc hội được tiến hành vào thời điểm Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng vừa kết thúc thắng lợi; toàn Đảng, toàn dân và toàn quân phấn khởi, tin tưởng và đang nỗ lực phấn đấu quyết tâm đưa Nghị quyết Đại hội vào cuộc sống. Nhân dân cả nước vừa long trọng kỷ niệm 65 năm cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên bầu ra Quốc hội Việt Nam; mừng Đảng, mừng Xuân Tân Mão, mừng đất nước đổi mới và đang tích cực chuẩn bị về mọi mặt cho cuộc bầu cử Quốc hội khóa XIII và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 vào ngày 22-5 sắp tới.

Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng trình bày Báo cáo tổng kết hoạt động của Quốc hội khóa XII (nhiệm kỳ 2007 - 2011). Ảnh: TRÍ DŨNG (TTXVN) 

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: Kỳ họp thứ 9, kỳ họp cuối cùng của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII là dịp để Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan hữu quan nhìn nhận những việc đã làm được, chưa làm được, những hạn chế, khuyết điểm để nỗ lực phấn đấu, phát huy ưu điểm, khắc phục hạn chế, khuyết điểm, đạt được những kết quả to lớn hơn nữa, xứng đáng với lòng mong đợi của nhân dân. Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu Quốc hội nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung thời gian, công sức, trí tuệ; phát huy dân chủ, thẳng thắn, đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc, thiết thực, góp phần để kỳ họp thành công tốt đẹp. Trong lời phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã trân trọng và xúc động gửi lời chia buồn và cảm thông sâu sắc của Quốc hội Việt Nam đến Nhà vua, Quốc hội, Chính phủ và nhân dân Nhật Bản trước những hậu quả nặng nề do thảm họa động đất và sóng thần gây ra.

Thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng đã báo cáo với Quốc hội và đồng bào cả nước một số nội dung chính về tình hình kinh tế-xã hội năm 2010 và những giải pháp chủ yếu cần tập trung chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2011. Nhấn mạnh một số kết quả nổi bật trong năm 2010, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ: Nhìn chung, tình hình kinh tế-xã hội năm 2010 phát triển theo chiều hướng tích cực: Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt khá trên tất cả các lĩnh vực quan trọng, GDP năm 2010 đạt 6,78%, cao hơn chỉ tiêu Quốc hội thông qua. Kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế về cơ bản ổn định; kim ngạch xuất khẩu đạt 72,2 tỉ USD, tăng hơn 4 lần chỉ tiêu Quốc hội thông qua; thu ngân sách nhà nước vượt 21,2% so với dự toán. An sinh xã hội được bảo đảm; đời sống người dân tiếp tục được cải thiện; chính trị, xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; công tác đối ngoại được đẩy mạnh, góp phần củng cố và nâng cao vị thế nước ta trên trường quốc tế.

Đề cập những giải pháp chủ yếu tập trung chỉ đạo, điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2011, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ: Kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và hướng đến mục tiêu tăng trưởng bền vững là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong chỉ đạo, điều hành. Những giải pháp chủ yếu là: Thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng bằng cách hạn chế tăng cung tiền, kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng; điều hành chủ động, linh hoạt, hiệu quả các công cụ chính sách tiền tệ; nâng cao chất lượng tín dụng, bảo đảm an toàn hệ thống tiền tệ, tín dụng, ngân hàng. Thực hiện chính sách tài khóa thắt chặt, cắt giảm đầu tư công, giảm bội chi ngân sách nhà nước bằng việc phấn đấu tăng thu ngân sách nhà nước 7-8% so với dự toán năm 2011 đã được Quốc hội thông qua; rà soát, sắp xếp lại chi thường xuyên để tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên của 9 tháng còn lại trong dự toán năm 2011; cắt giảm đầu tư công, tập trung vốn cho các công trình quan trọng, cấp bách, hiệu quả; giảm bội chi ngân sách nhà nước xuống dưới 5% GDP. Các giải pháp khác là: Thúc đẩy sản xuất kinh doanh, khuyến khích xuất khẩu, kiềm chế nhập siêu, sử dụng tiết kiệm năng lượng; điều chỉnh giá điện, xăng dầu gắn với hỗ trợ hộ nghèo; tăng cường bảo đảm an sinh xã hội; đẩy mạnh công tác tư tưởng, thông tin, tuyên truyền...

* Tiếp tục kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XII, chiều 21-3, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, các đại biểu đã nghe Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2007-2011 của Chủ tịch nước do Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết trình bày; Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2007-2011 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình bày và các báo cáo công tác nhiệm kỳ 2007-2011 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Theo báo cáo của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, trong nhiệm kỳ qua, Chủ tịch nước đã thực hiện các nhiệm vụ có liên quan đến hoạt động lập pháp, lĩnh vực tư pháp, hành pháp, quốc phòng - an ninh. Chủ tịch nước đã tham gia ý kiến Ủy ban thường vụ Quốc hội về chương trình xây dựng pháp lệnh và nội dung của một số luật, pháp lệnh, tham gia xây dựng hệ thống pháp luật ngày càng đồng bộ, đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước, xã hội và hội nhập quốc tế. Chủ tịch nước luôn quan tâm đến công tác dân vận, gần gũi lắng nghe ý kiến của các tầng lớp nhân dân. Chủ tịch nước và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, phát huy dân chủ trong đời sống xã hội, tham gia ý kiến xây dựng các chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước, phát huy mọi khả năng sáng tạo của các tầng lớp nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Báo cáo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho thấy, dưới sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước, sự nỗ lực phấn đấu của hệ thống chính trị và nhân dân cả nước, công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của nước ta đã đạt được những thành tựu quan trọng. Trong nhiệm kỳ, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn nghiêm túc thực thi Hiến pháp, pháp luật; nghiêm túc chấp hành các Nghị quyết của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội; luôn đoàn kết thống nhất, nỗ lực phấn đấu làm việc để hoàn thành chức năng nhiệm vụ được giao và đã có những đóng góp tích cực vào thành tựu chung của đất nước. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung chỉ đạo thực hiện cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước và đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí; quản lý điều hành tốt các hoạt động đối ngoại, củng cố và mở rộng quan hệ với các nước láng giềng, các nước đối tác quan trọng; tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo đảm ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nghiêm túc nhìn nhận về những hạn chế trong công tác quản lý, lãnh đạo, điều hành. Đó là việc xây dựng hệ thống pháp luật và thể chế còn bất cập; kinh tế phát triển chưa bền vững; chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh còn thấp; kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng kịp yêu cầu phát triển; đào tạo nguồn nhân lực và phát triển khoa học công nghệ còn chậm...

Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Trương Hòa Bình cho biết ngành Tòa án thực hiện nhiệm vụ được giao trong điều kiện có những thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức. So với nhiệm kỳ trước, số lượng các loại vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án là rất lớn, số lượng đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm không giảm. Tuy nhiên, bằng nhiều biện pháp đồng bộ như nâng cao chất lượng tranh tụng tại các phiên tòa xét xử, nâng cao trách nhiệm, trình độ chuyên môn cho các thẩm phán, tập trung giải quyết dứt điểm các vụ việc bức xúc kéo dài... các công tác giải quyết, xét xử các loại vụ án; giải quyết khiếu nại, tố cáo và đấu tranh phòng chống tham nhũng; xây dựng pháp luật; thi hành án hình sự, xét miễn giảm các khoản thu nộp ngân sách Nhà nước; thực hiện các nhiệm vụ cải cách tư pháp... toàn ngành đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ công tác của ngành Kiểm sát Nhân dân 4 năm qua, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Trần Quốc Vượng khẳng định toàn ngành đã nỗ lực phấn đấu và tạo được sự chuyển biến tích cực về chất lượng, hiệu quả trên tất cả các mặt công tác. Công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp đã có nhiều chuyển biến mạnh mẽ. Tỷ lệ xử lý các vụ án tăng cao. Chất lượng truy tố, chất lượng tranh tụng của kiểm sát viên tại phiên tòa có chuyển biến tích cực. Tỷ lệ các vụ án trả hồ sơ điều tra bổ sung giữa các cơ quan tiến hành tố tụng giảm. Số trường hợp đình chỉ do không phạm tội và Tòa án tuyên bị cáo không phạm tội giảm hàng năm. Toàn ngành đã tập trung hoàn thành đúng tiến độ, có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm về cải cách tư pháp, nhất là trong lĩnh vực hoàn thiện thể chế, tổ chức và cán bộ; thực hiện tốt chủ trương tăng thẩm quyền cho cơ quan tư pháp cấp huyện.

Chia sẻ bài viết